Với tầm nhìn năng động của chính quyền TP đã tạo nên một khát vọng lớn của người dân là phải đưa TP Hồ Chí Minh trở lại đúng tên gọi “Hòn ngọc viễn Đông”.
Định vị bằng chuẩn quốc tế
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Chuyên viên cao cấp (Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh), trong suốt hơn 40 năm qua, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng bình quân 8,24%/năm, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn 1,5 lần so với cả nước, quy mô GDP giá so sánh giai đoạn 1994 đến năm 2010 gấp 16 lần so với năm 1975.
Tuy nhiên, quan điểm so sánh quốc tế để TP Hồ Chí Minh không còn chủ yếu “ta so với chính ta” để thấy toàn thành tích đã được TP nhấn mạnh đến trong những định hướng phát triển của mình. Cách tiếp cận “so sánh quốc tế” giúp TP Hồ Chí Minh định vị mình chính xác trong cuộc đua tranh quốc tế. Nghĩa là định vị mục tiêu phát triển trên cơ sở những chuẩn mực so sánh quốc tế. TP Hồ Chí Minh đạt đến đẳng cấp phát triển triển nào sau một khoảng thời gian nhất định? Khoảng cách tụt hậu phát triển so với thế giới được rút ngắn hay đẩy xa hơn bao nhiêu, ở những tiêu chí nào? Phương hướng và hệ giải pháp chiến lược thực thi để đạt mục tiêu đó là gì?
|
TP Hồ Chí Minh cần một chiến lược phát triển dài hạn để vươn lên tầm khu vực và thế giới. |
Việc so sánh này đặc biệt đúng trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ rất cao, là khi mà những cơ hội và thách thức mới mẻ, to lớn và gay gắt, gây áp lực mạnh chưa từng thấy lên công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam và của TP Hồ Chí Minh. Một vấn đề hiện nay mà giới chuyên gia đặt ra cho “giấc mơ đẳng cấp quốc tế” của TP Hồ Chí Minh là những thành tựu phát triển có tác dụng làm thay đổi căn bản diện mạo của một đô thị lớn là gì? Chúng ta có đủ mạnh và đủ lớn để tạo ra những năng lực mới đủ sức nâng TP lên một tầm phát triển mới khác về chất, tạo cơ sở cho một cuộc đua tranh phát triển dài hạn để vươn lên tầm khu vực và thế giới hay chưa?
Mặc dù vẫn cần rất nhiều nỗ lực trong thời gian tới tuy nhiên giới nghiên cứu kinh tế nhận định, sự chuyển dịch cơ cấu GDP chia theo ngành kinh tế 43 năm qua của TP đã khẳng định hướng đi đúng của TP khi tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ cao cấp. Phần lớn đó là các ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng và giá trị gia tăng lớn.
Trung tâm của khởi nghiệp
Theo TS Nguyễn Minh Hòa - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, là TP đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, đóng góp 36% ngân sách và 30% tổng sản phẩm quốc gia (GDP), vì vậy, việc quy hoạch chiến lược cho TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 thực sự quan trọng không chỉ đối với bản thân TP Hồ Chí Minh mà còn với cả quốc gia.
TS Nguyễn Minh Hoà lưu ý, nên coi cả TP Hồ Chí Minh là một đặc khu kinh tế hay vùng kinh tế đặc biệt giống như Thẩm Quyến, Chu Hải hay Thượng Hải của Trung Quốc hơn là lập ra một đặc khu kinh tế riêng bên trong TP. Việc lập ra một đặc khu kinh tế riêng trong một TP thuộc diện đặc biệt (theo phân loại hệ thống đô thị Việt Nam) chưa hẳn là có lợi. Giới chuyên gia cho rằng cần đặc biệt nhấn mạnh đến tính “chân dung hiện đại” của TP Hồ Chí Minh. Đó phải là TP công nghệ cao (các ngành kinh tế đều là những ngành công nghệ cao, nhất là công nghiệp và dịch vụ; là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao và là trung tâm nghiên cứu và phát triển - R&D).
Hơn nữa, TP Hồ Chí Minh phải là đô thị có chiều sâu không gian, là đô thị thông minh - giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, chính quyền thông minh (chính quyền điện tử). Và TP phải là đô thị có nền tảng kết cấu hạ tầng bền vững, bảo đảm tối thiểu hoá ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cần đặc biệt đề cao định hướng hiện đại hoá trong mục tiêu phát triển và phải nghiêm khắc, kiên trì tuân thủ định hướng này. Để thực hiện định hướng này thì cần giải quyết 3 nhóm vấn đề lớn là dân số - dân cư hợp lý, cơ cấu - đẳng cấp ngành (đẳng cấp công nghệ và sự tinh xảo), kết cấu hạ tầng hiện đại và văn minh.
Vấn đề không kém quan trọng là không gian đô thị của TP Hồ Chí Minh phải là không gian kết nối hạ tầng tối ưu, làm nền tảng và phục vụ một TP thông minh, phát triển bền vững. Và một điều mà giới DN đặc biệt quan tâm là xây dựng TP Hồ Chí Minh thành Trung tâm “khởi nghiệp”, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, xem đây là một giải pháp quan trọng vừa để thúc đẩy tinh thần sáng tạo kinh doanh, vừa tăng cường các phẩm chất nhân văn của người TP. Đồng thời, cần xây dựng TP thành Trung tâm Giáo dục - Đào tạo và Nghiên cứu - Phát triển đẳng cấp quốc tế và khu vực.
TP có thuận lợi để làm điều này khi hiện có 75 trường đại học, cao đẳng và 700.000 sinh viên, trong đó có nhiều trường đại học liên kết với các nước có nền giáo dục đào tạo tiên tiến. Theo ước tính TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 300.000 DN trong nước, hơn 5.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 3.000 DN từ 62 quốc gia có văn phòng đại diện. TP hiện có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với diện tích trên 4.000 ha. Dự kiến sẽ thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000ha. Và mục tiêu của TP Hồ Chí Minh là sẽ có 500.000 DN vào năm 2020.
Với một TP xác lập “đẳng cấp quốc tế” thì cũng cần tạo lập lực lượng DN mạnh, coi một số tập đoàn DN tư nhân mạnh làm trụ cột, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, các tập đoàn lớn - nhà đầu tư chiến lược, có khả năng mở rộng kết nối chuỗi toàn cầu là mục tiêu ưu tiên.