Nhiều quy định mới trong Luật Cư trú năm 2020 được một bộ phận không nhỏ người thuê nhà (thuê trọ), ở nhờ tại các thành phố lớn quan tâm vì liên quan đến vấn đề tạm trú, thường trú ở nơi thuê.
Dưới đây là những điểm mới trong Luật Cư trú năm 2020 mà người ở thuê, ở nhờ nên biết.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
8 trường hợp bị xóa đăng ký tạm trú
Khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 yêu cầu công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Điều 29 luật này cũng quy định người thuê, ở nhờ đã đăng ký tạm trú vẫn có thể bị xóa đăng ký khi thuộc một trong tám trường hợp sau:
- Chết, có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố đã chết.
- Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký tạm trú quy định.
- Vắng mặt liên tục tại nơi tạm trú từ sáu tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác.
- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
- Đã được đăng ký thường trú tại chính nơi tạm trú.
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác.
- Người đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý cho tiếp tục sinh sống tại chỗ ở đó.
- Người đăng ký tạm trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.
Hiện, Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 không quy định về xóa đăng ký tạm trú.
Đăng ký tạm trú ngay trong vòng 30 ngày
Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Hiện hành, tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú 2006 quy định: Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Như vậy, quy định mới tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020 sẽ thoáng hơn so với hiện hành. Nghĩa là đến và sinh sống từ 30 ngày trở lên mới phải đăng ký tạm trú.
Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần. Hiện hành, tại khoản 1 Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA thì thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá 24 tháng.
Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 Luật Cư trú 2020.
Ngoài ra, hiện nay theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, nếu không đăng ký tạm trú vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thuê, người thuê nhà sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 8).
Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú đang được bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.
Theo đó, đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.
Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.
Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
Việc kiểm tra cư trú của công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.
Xóa thường trú khi chấm dứt hợp đồng thuê
Luật Cư trú 2020 cho phép người ở thuê, ở nhờ được đăng ký thường trú tại nơi ở thuê, ở nhờ. Tuy nhiên, Điều 24 luật này cũng quy định, người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ sẽ bị xóa đăng ký thường trú khi đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú.
Nhà thuê có thể đăng ký thường trú
Luật Cư trú 2020 cũng tạo cơ hội cho người thuê nhà có “hộ khẩu thành phố” bằng việc đăng ký thường trú tại nhà thuê.
Hiện nay, công dân được đăng ký thường trú vào nhà thuê ở thành phố trực thuộc trung ương nếu được chủ nhà đồng ý; đã tạm trú liên tục từ 1 đến 2 năm trở lên; bảo đảm diện tích nhà thuê theo quy định của địa phương (khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2006, sửa đổi năm 2013).
Từ ngày 1/7, công dân được đăng ký thường trú vào nhà thuê nếu được chủ nhà đồng ý. Bảo đảm diện tích nhà thuê theo quy định của địa phương nhưng tối thiểu 8m2 sàn/người.