Ám ảnh chi phí test nhanh Covid-19
Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin ở những bài trước, năm 2021, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. Thời điểm đó, kinh phí chống dịch vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào ngân sách quốc gia. Chính vì vậy, việc mua sắm các sinh phẩm thiết bị phục vụ cho chống dịch, phải được các địa phương “tính toán sao cho khéo” để tiết kiệm cho ngân sách.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc mỗi địa phương áp dụng chỉ định thầu để mua sắm các loại vật tư, sinh phẩm với nhiều mức giá khác nhau đã khiến cho thị trường các sản phẩm này trở nên “loạn”. Đáng chú ý, trong khi giá nhập khẩu các loại test nhanh chỉ dao động từ 2-2,5 USD/test, song giá chỉ định thầu rút gọn của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, vật tư y tế trong nước lên đến từ 126.000 – 178.000 đồng/test.
Để đến cuối cùng, thiệt hại vẫn là ngân sách Nhà nước và nhân dân…
Bộ Y tế từng ước tính, từ tháng 9 - 12/2021, nhu cầu của cả nước đối với sinh phẩm xét nghiệm: 25,7 triệu test Realtime - PCR; 105,9 triệu test nhanh kháng nguyên. Ảnh minh hoạ
Chia sẻ với Báo Kinh tế và Đô thị, chị M.H. chủ shop hoa trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) bùi ngùi nhớ lại: “Cứ mở mắt ra là “đau đầu” vì “nỗi ác mộng” mang tên giấy xét nghiệm âm tính. Cái shop hoa nhỏ xíu mà tuần nào cũng tiêu tốn ít nhất 1,4 triệu đồng chỉ dùng cho test nhanh. Cầm cự được một thời gian, cửa hàng hoa của tôi cuối cùng phải đóng cửa vì chi phí xét nghiệm nằm ngoài dự tính và khả năng doanh thu”.
Cũng trong tình cảnh tương tự, bà T.L. quản lý Công ty S.G.T cho biết, vì hoạt động trong lĩnh vực vận tải nên chỉ tính riêng tháng 7/2021 doanh nghiệp này đã có 176 lần test nhanh, với chi phí hơn 58.4 triệu đồng (chưa kể khám sàng lọc), tháng 8/2021 hơn 28 triệu đồng và tháng 9/2021 là 23,8 triệu đồng. Trong đó, giá test nhanh thấp nhất là đã lên đến 238.000 đồng/test và cao nhất là tận 430.000 đồng/test.
“Trong điều kiện chống dịch đã kiệt quệ cả thể chất và túi tiền, doanh nghiệp thật sự điêu đứng. Nói đơn giản, với những công ty có trên 500 công nhân, hàng tháng họ phải chi trả tiền tỷ cho phí xét nghiệm các loại. Đây là một chi phí khủng khiếp" – bà T.L. nói và nhấn mạnh, trường hợp nếu phát hiện có khuất tất trong các gói thầu chỉ định, ai sẽ chịu trách nhiệm trả lại cho doanh nghiệp và người dân hàng nghìn tỷ đồng (?).
“Phải “cõng" chi phí test nhanh quá lớn, nhiều doanh nghiệp ước tính, 70-80% chi phí chống dịch là đổ vào xét nghiệm, song chỉ để tìm ra một kết quả có giá trị vỏn vẹn trong 2-3 ngày. Dù đây là quy trình bắt buộc phục vụ công tác chống dịch, nhưng ở góc độ nào đó vẫn lãng phí” - bà T.L. nói thêm.
Đáng chú ý, không chỉ các hộ kinh doanh hay doanh nghiệp, đến từng gia đình, từng cá nhân…chi phí test nhanh cũng thực sự là nổi ám ảnh.
"Suốt tháng 10 và 11/2021, không chỉ thực hiện test nhanh mỗi ngày, tôi còn xét nghiệm rRT-PCR 3 ngày/lần vì công ty yêu cầu, dù chi phí này vượt quá khả năng thu nhập" - Anh N.T.H. (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Trong khi đó, anh Đ.T. (ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) bức xúc vì bị bệnh thận nhiều năm nay, tháng nào cũng phải 12 lần chạy thận để duy trì sự sống. Tuy nhiên, thời điểm đỉnh dịch, đành phải giảm xuống còn 6 lần chạy thận/tháng vì không đủ tài chính chi trả test Covid-19.
Đồng cảnh ngộ, bà N.T.S. (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) cũng bất lực vì dù đã nhập viện điều trị bệnh tiểu đường biến chứng nhưng ngày nào cũng phải chịu phí test nhanh Covid-19 ít 1 lần, và 5 ngày lại xét nghiệm rRT-PCR 1 lần: “Đến ngày xuất viện, tiền viện phí, tiền thuốc cộng lại cũng chỉ bằng 1/2 tiền xét nghiệm Covid-19, thật ngược ngạo!” - bà N.T.S. bày tỏ.
Ghi nhận cho thấy, không chỉ trong đỉnh dịch, khi TP Hồ Chí Minh đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội thời điểm tháng 10/2021, thì mức giá xét nghiệm Covid-19 ở các cơ sở y tế trên địa bàn TP vẫn chênh lệch rất lớn. Giải thích về sự vênh nhau này, lúc đó một số đơn vị cho rằng xuất phát từ sự khác nhau về “chi phí khám sàng lọc”, “chi phí dịch vụ”,…Song, trên thực tế câu hỏi về sự khác nhau giữa giá tiền test nhanh từ các gói thầu chỉ định lại không được nhắc đến hay một lần lý giải…!
Bài học đắt giá về đấu thầu
Năm 2021, trong lúc các cấp, các ngành cả nước đang tập trung chung tay dập dịch Covid-19 nguy hiểm, tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong nhân dân được khơi dậy, nhiều tấm gương vì cộng đồng đã được thắp lên trong lực lượng vũ trang, đội ngũ y, bác sĩ vất vả ngày đêm nơi tuyến đầu, doanh nghiệp và người dân khốn đốn vì gánh nặng “cơm áo gạo tiền” thì vẫn có những quan chức chịu trách nhiệm bảo vệ người dân đang tâm "xà xẻo xương máu” đồng bào trên từng kit test giá cao.
Công khai minh bạch giúp ngăn nạn “thổi giá” trong đấu thầu trang thiết bị y tế. Ảnh minh hoạ
Vì vậy, đến thời điểm này dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, người dân cả nước dần quay lại nhịp sống thường này. Song, những bất thường xoay quanh các gói chỉ định thầu vẫn để lại hậu quả nặng nề là ngân sách bội chi, người dân phải gồng mình trả phí xét nghiệm cao ngất ngưởng…Và đau lòng hơn nửa là khi hiệu quả chống dịch suy giảm, nhiều đồng bào đã không may thiệt mạng trong đại dịch.
Tạm gác lại những nỗi đau, bás sĩ Trương Hữu Khanh chuyên gia dịch tễ học (thành viên Hội đồng đánh giá tiêm chủng quốc gia) cho rằng, người dân cả nước và ngành y tế cần vững vàng bước về phía trước, rút ra bài học đắt giá sau những chuỗi ngày đau thương vì dịch bệnh hoành hành.
Theo bás sĩ Trương Hữu Khanh, một trong những vấn đề cốt lõi nhất của chống dịch là phải lắng nghe kịp thời ý kiến của chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành đầu trong lĩnh vực dịch tễ. Chống dịch bằng mệnh lệnh hành chính là sai lầm, thay vào đó cần đề cao tính khoa học.
“Nói một cách nôm na, giặc ngoại xâm không cần phải giết sạch vẫn được công nhận chiến thắng. Nhưng giặc Covid-19 thì khác, chỉ cần một mầm móng virus còn trong cộng đồng mà không phát hiện kịp hoặc không có vaccine miễn dịch thì xem như thua” - bás sĩ Trương Hữu Khanh phân tích.
Là người hoạt động lâu năm trong ngành y tế, bás sĩ Trương Hữu Khanh bày tỏ thông cảm khi sau đợt dịch, nhiều cán bộ y tế “nhúng chàm”, dẫn đến tình trạng các bệnh viên, cơ sở y tế tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện đầu thầu.
“Bản chất của công việc đầu thầu là rất vất cả, nhưng hiện tại ngoài vất vả còn có nguy cơ vi phạm pháp luật nên nhiều cán bộ y tế hoang mang, lo sợ dẫn đến không dám làm. Cuối cùng thiếu thuốc, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Người giàu họ có thể thăm khám ở bệnh viện tư, nhưng còn người nghèo thì sao? Vì vậy, bài học lớn nhất rút ra ở đây chính là phải thay đổi để giải quyết tình trạng chồng chéo luật, từ đó bảo vệ người dám đứng ra nhận trách nhiệm đầu thầu. Tuy nhiên, việc này nằm ngoài khả năng và quyền hạn của ngành y tế. Để giải quyết triệt để cần có Chính phủ, Quốc hội vào cuộc” – bás sĩ Trương Hữu Khanh nói.
Đồng quan điểm về việc sửa luật để tránh chồng chéo, thuận lợi cho công tác đấu thầu vật tư y tế. Tuy nhiên, một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, câu chuyện kit test giá cao và những hậu quả để lại sẽ phần nào giúp ngành y tế nhìn lại những thiếu xót, từ đó định hướng và rút ra bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn, chứ không phải là để hờn dỗi.
“Vẫn biết, những vụ việc sai phạm, tham nhũng, trục lợi trong các gói thầu mua sắm thiết bị y tế bị điều tra, xử lý đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và sự thận trọng của các địa phương, đây là thách thức không nhỏ. Song, đó không phải là cái cớ để “không làm”; “không đấu thầu”…Thay vào đó, kinh nghiệm rút ra là chỉ có đấu thầu công khai, minh bạch mới ngăn được tình trạng “thổi giá” trong các gói thầu mua thiết bị vật tư y tế, rộng hơn nữa là chống được tham nhũng trong mua sắm công” – vị luật sư này nói.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, có thể nhìn nhận, đại án Việt Á được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng: “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”…nhận sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận xã hội và quần chúng Nhân dân, dù hậu quả vụ việc trên để lại rất đau lòng.
Tính đến nay, đã có hàng loạt lãnh đạo, cán bộ y tế “xộ khám”. Song, vẫn phải thừa nhận, phòng chống dịch Covid-19 là một trong những trận chiến khốc liệt nhất mà ngành y tế Việt Nam phải dốc toàn bộ sức lực để chiến đấu trong suốt 2 năm qua. Vì vậy, ở một góc nhìn nào đó, đại án Việt Á hay những gói chỉ định thầu cao bất thường mà Tieudung.kinhtedothi.vn đã phản ánh trong loạt bài “Nhận diện đường đi của kit test Covid-19 giá cao” có thể làm mất niềm tin với những lãnh đạo, cán bộ ngành y tế đã bị bắt hoặc sẽ bị xử lý, nhưng không bao giờ làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với đội ngũ thầy thuốc tâm sáng, tận hiến cứu đồng bào trong đại dịch.