“Thả nổi” giá ở bệnh viện tư nhân?
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, khi giá các bộ test/kit trên thị trường đã giảm rất mạnh, thì ngày 14/10 ghi nhận cho thấy, giá xét nghiệm Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh vẫn tăng cao. Đặc biệt là ở các cơ sở y tế tư nhân, trong đó dẫn đầu là Bệnh viện FV với phí test nhanh là 500.000 đồng và xét nghiệm RT-PCR (test PCR) một lần 3,2 triệu đồng. Tương tự, Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia cũng báo giá test PCR lên đến 1,9 triệu đồng/1 lần, test nhanh 300.000 đồng/1 lần; Bệnh viện Quốc tế Minh Anh test nhanh Covid-19 là 400.000 đồng/lần, test PCR 1,6 triệu đồng/lần; Bệnh viện An Sinh test nhanh là 350.000 đồng, test PCR trong khoảng 1 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề “nhảy múa” giá xét nghiệm Covid-19 gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua, ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Bệnh viện FV làm "dậy sóng" dư luận với các khoản phí dịch vụ gọi là "chi phí bặt buộc khác" dành cho xét nghiệm Covid-19 với mức giá cao kỷ lục
Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) quan tâm vấn đề loạn giá xét nghiệm Covid-19 gây bức xúc cho nhân dân. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này? Tiếp đó, Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) hỏi vì sao Việt Nam đã sản xuất được kit, test xét nghiệm Covid-19 nhưng vẫn phải nhập của nước ngoài?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán, trước đây, không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn.
Bộ trưởng dẫn chứng, hồi đầu năm 2020, giá khẩu trang, găng tay, máy thở do khan hiếm đã bị đẩy lên cao, các quốc gia có tình trạng tranh mua trong thời điểm đầu. Song thời gian qua do nhiều doanh nghiệp tham gia vào nên đã làm giảm giá những mặt hàng này.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng TTĐT của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm;...
Theo ông Long, Bộ Y tế đang thúc đẩy sản xuất trong nước, nên khả năng cung ứng kit xét nghiệm cơ bản đáp ứng được nhu cầu. “Chúng tôi cũng thúc đẩy nghiên cứu sản xuất phương pháp chẩn đoán mới như qua hơi thở, nước bọt để giảm giá thành”, ông Long nêu, đồng thời cho biết, Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư về giá xét nghiệm, tính giá tối đa của test nhanh là 106.000 đồng. “Nếu đơn vị đấu thầu giá thấp hơn thì chỉ được thu giá thấp hơn”, ông Long khẳng định.
Tuy nhiên, chưa hài lòng, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, ở đây có trách nhiệm và thiếu sót trong quản lý của Bộ Y tế. “Mặc dù giá xét nghiệm nhà nước đề ra là 106.000 đồng, nhưng của tư nhân thì như thế nào? Bộ trưởng có quản lý được giá này không, hay tư nhân muốn làm sao thì làm?” - ông Hoà nói.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế tiếp tục khẳng định, đối với các đơn vị y tế tư nhân, không áp dụng hình thức quản lý giá, mà họ tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết công khai. “Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm này và đã triển khai rất quyết liệt trong thời gian qua. Vì vậy, chúng tôi đã chính thức đưa mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng quản lý giá” - ông Long nói.
Có “lợi ích nhóm” với giá xét nghiệm Covid-19?
Tiếp tục, cũng tại phiên chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa đã dẫn chứng có nơi thu phí đến 450.000 đồng/lần xét nghiệm và đặt câu hỏi: Liệu có "lợi ích nhóm" trong việc mua sắm bộ xét nghiệm Covid-19 hay không?
Liên quan đến việc nhập khẩu kít, test xét nghiệm Covid-19, trước đó, Thủ tướng Chính Phủ đã cho phép các địa phương sử dụng tiền ngân sách để mua sắm các loại sinh phẩm, vật tư xét nghiệm bằng hình thức xét duyệt chỉ định thầu. Đây được coi là một quyết định đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành. Và quyết định này, đã mang lại nhiều kết quả khả quan cho công tác phòng, chống dịch của cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực hiện các gói thầu rút gọn ở một số địa phương đang có nhiều điểm bất thường về giá, mỗi nơi một giá, thậm chí chênh nhau khá lớn. Và câu hỏi đặt ra là, có hay không những bất cập tồn tại trong các gói chỉ định thầu?
Báo giá 175.000 đồng/test, nhưng Công ty CP Armephaco bán sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test với số lượng 1 triệu test, với giá 65.000 đồng/test.
Đơn cử, ngày 22/9/2021, CDC Bà Rịa Vũng Tàu phê duyệt cho Công ty CP Armephaco trúng thầu cung cấp 1,5 triệu test kháng nguyên SARS –CoV02 (phân nhóm 4) có tên thương mại StandardTM Q Covid-19 Ag Test do công ty SD Biosensor Inc (Hàn Quốc) sản xuất. Đơn giá sau thuế (đã bao gồm các khoản phí) của gói thầu là 135.000 đồng/test, tổng giá trị là 202,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 19/10, trong vai khách hàng cần mua sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test do công ty SD Biosensor Inc (Hàn Quốc) sản xuất, PV liên hệ Công ty CP Armephaco và được tư vấn, giá bán sản phẩm là 175.000 đồng/test (1 hộp có 25 test, 1 thùng 1.000 test). Tuy nhiên, nếu mua số lượng 1 triệu test giá chỉ còn 65.000 đồng/test: “Chị mua càng nhiều giá sẽ càng rẻ, vì bên em có chiết khấu cho khách hàng mua số lượng lớn” – bà K. nhân viên Công ty CP Armephaco khẳng định.
Đến đây, không thể không đặt câu hỏi, CDC Bà Rịa Vũng Tàu đã làm hết năng lực, trách nhiệm hay chưa, khi là đơn vị y tế chuyên nghiệp nhưng đàm phán mua 1,5 triệu test giá 135.000 đồng. Trong khi đó, PV chỉ liên hệ hỏi mua với tư cách cá nhân nhưng 1 triệu test đã được giá rẻ hơn 1/2 lần, chỉ 65.000 đồng/test.
Với mức giá 65.000 đồng, để có lợi nhuận Công ty CP Armephaco phải nhập sản phẩm StandardTM Q Covid-19 Ag Test ở mức giá thấp hơn. Vậy, cơ sơ nào để Bộ Y tế duyệt cho kê khai giá bán của sản phẩm là 175.000 đồng? Bất cập này có phải xuất phát từ việc Bộ Y tế “bỏ quên” giá nhập khẩu hay không? Và cũng từ đây, những bất thường về giá chỉ định thầu xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, ngày 13/7/2021, Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú đã ban hành 2 Quyết định số 128/QĐ-TTYT và 129/QĐ-TTYT để thực hiện chỉ định thầu mua test nhanh kháng nguyên. Đáng chú ý, 2 Quyết định này, lại chỉ định để mua 2 loại test với 2 mức giá khác nhau.
Cụ thể, Quyết định số 129 về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu mua test xét nghiệm Panbio Covid-19 Ag Rapid test Device với số lượng 10.000 test, mức giá 178.500 đồng/test.
Thế nhưng, với Quyết định số 128 việc thực hiện mua test xét nghiệm Trueline Covid-19 Ag Rapid test với số lượng 5.000 test, chỉ ở mức giá 135.000 đồng/test.
Giá test nhanh mới áp dụng tại cơ sở công lập đã giảm hơn một nửa so với giá cũ, tối đa còn trên 109.000 đồng/xét nghiệm, xét nghiệm PCR còn trên 500.000 đồng/xét nghiệm, giảm 30% so với trước. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC)
Ở đây cần phải làm rõ, tại sao giá test Trueline Covid-19 Ag Rapid rẻ hơn giá test Panbio Covid-19 Ag Rapid Device đến tận 43.000 đồng/test, mà Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú lại phải chia thành 2 quyết định, và mua cả 2 loại test. Nghịch lý, khi giá 178.500 đồng/test lại được duyệt mua với số lượng 10.000 test, giá 135.000 đồng/test lại chỉ duyệt mua với số lượng 5.000 test.
Thử làm một phép tính để thấy, với tổng 15.000 test nói trên, nếu trong trường hợp Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú duyệt mua toàn bộ là test Trueline Covid-19 Ag Rapid, sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 435 triệu đồng.
Chưa kể, vẫn test Trueline Covid-19 Ag Rapid, nhưng 12 ngày sau quyết định duyệt giá mua của Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú, Viện Y dược học dân tộc thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (ngày 25/7/2021) cũng đã có Quyết định số 531/QĐ-VYDHDT về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với số lượng 10.000 test Trueline Covid-19 Ag Rapid. Tại gói thầu này, mức giá của mỗi test chỉ là 99.750 đồng.
Như vậy, mức chênh lệch là 35.250 đồng/test. Có nghĩa với 15.000 test, nếu Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú mua được với mức giá 99.750 đồng/test, thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách sẽ là hơn 528 triệu đồng.
Nếu khách quan cho rằng, vì mua trước nên Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú không có nhiều mức giá thị trường để tham khảo, dẫn đến bị hớ. Vậy thì, phải hiểu như thế nào cho đúng với trường hợp Công ty CP Bệnh viện Mỹ Hạnh tại Long An, ngày 30/6/2021, đã ký hợp đồng cũng mua sản phẩm Trueline Covid-19 Ag Rapid test chỉ với giá 108.000 đồng/test. Trong khi đó Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú mua sau (13 ngày) nhưng giá cao hơn 27.000 đồng/test. Và lần này, tiếp tục với số lượng 15.000 test, Trung Tâm Y tế huyện Tân Phú đã “tăng thêm” mức chi ngân sách 405 triệu đồng nếu so với mức giá trên.
Theo ghi nhận, đến ngày 19/10, test Trueline Covid-19 Ag Rapid hiện có giá bán lẻ là 73.750 đồng/test (bao gồm cả VAT). Trong trường hợp mua với số lượng 1 triệu test/lần, thì mức giá sẽ giảm còn 63.000 đồng/test.
Rõ ràng, giá kit test xét nghiệm Covid-19 trên thị trường đang giảm, nhưng giá chỉ định thầu vẫn cao bất thường, kéo theo đó là tình trạng “nhảy múa” giá xét nghiệm Covid-19.
Tại sao không đàm phán giá, đấu thầu tập trung để giá kit test hợp lý hơn, tiết kiệm hơn cho ngân sách nhà nước vốn đã “hao mòn” vì dịch bệnh? Tại sao với xét nghiệm mang tính toàn dân như xét nghiệm Covid-19, lại không quản lý giá ở các cơ sở y tế tư nhân? Vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế ở đâu?
Thiết nghĩ, dù muộn còn hơn không, song song với quy định giá xét nghiệm tại bệnh viện công, Bộ Y tế cần phải nhanh chóng lập lại trật tự ở thị trường tự do, vì giá sinh phẩm y tế, theo quy định mới, đã xếp vào nhóm hàng phải quản lý giá.