Ngày 12/4, tại TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội phối hợp Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Câu lạc bộ Khoa học Dệt, May, Da Giày Việt Nam (VIATAL) tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc về dệt, may, da giày lần thứ 4 năm 2025 (NSCTEX 2025).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2025-2030 được Chính phủ đề ra là 8% trong năm 2025 và từ 10% trở lên từ năm 2026 đến 2030.
Trong bối cảnh đó, ngành dệt may và da giày đã góp phần đáng kể vào nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước khi ngay trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đã đạt 44 tỷ USD, tăng 11,6% so năm 2023, đóng góp gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 21,5 tỷ USD, đồng nghĩa với việc gần 49% giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt-may được tạo ra tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành da giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD trong năm 2024, tăng 11,45% so năm 2023. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của năm 2024 cộng với các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam thì ngành dệt may và da giày đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu từ 77-80 tỷ USD trong năm 2025 và 108-110 tỷ USD vào năm 2030.
Toàn ngành dệt may Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Ảnh minh họa
Cơ hội để ngành dệt may và da giày phát triển hết sức rộng mở nhưng vấn đề đặt ra với hai ngành này là phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng giải được bài toán “Làm thế nào để có thể tăng trưởng mạnh theo chiều sâu, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của người Việt Nam đóng góp vào giá trị của sản phẩm”.
Thực tế đã chứng minh rằng, để có thể giải quyết được các vấn đề rất lớn của ngành dệt may và da giày như đã nêu trên thì cần phải có sự tham gia đồng bộ của Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp (dệt, may, da giày).
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã trình bày nhiều công trình nghiên cứu, đề tài khoa học công phu và nghiêm túc, mang tính sáng tạo và ứng dụng cao về những vấn đề quan trọng, cấp thiết của ngành dệt may và da giày trong bối cảnh hiện nay. Đó là vấn đề vật liệu và công nghệ sợi, dệt, nhuộm, da giày; công nghệ và thiết bị may, thời trang; kinh doanh và phát triển bền vững dệt may, da giày.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học và đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những vấn đề mới liên quan công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hội nghị cũng mở ra cơ hội tìm kiếm sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm giải quyết các khó khăn cho ngành dệt may, da giày trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và giá trị gia tăng trong giai đoạn phát triển mới.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch về chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Ngành dệt may và da giày hướng đến mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, bình quân tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 6,8-7%/năm. Ngành dệt may Việt Nam nằm trong top 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh, trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ (37,98%), EU (9,77%), Hàn Quốc (8,93%;), Trung Quốc (8,3%;), ASEAN (6,59%). Còn ngành da giày nước ta sẽ chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm truyền thống sang sản xuất các sản phẩm trung và cao cấp, các loại giày da, túi xách thông dụng và thời trang. Đối với các sản phẩm phục vụ nhu cầu nội địa, doanh nghiệp cần kết nối và nghiên cứu ứng dụng nguyên liệu mới. |