Theo đó, các Cục Hải quan được chỉ đạo tổ chức thu thập, xử lý thông tin, phân tích lựa chọn đối tượng trọng điểm và kiểm tra, giám sát việc áp dụng chế độ tiêu chuẩn định mức miễn thuế đối với thành viên phi hành đoàn để phòng ngừa, phát hiện hành vi lợi dụng nhằm trốn thuế khi vận chuyển hành lý từ Việt Nam đi quốc tế và từ các nước về Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng phải thực hiện thu thập các thông tin trên hệ thống dữ liệu chuyến bay (API), hồ sơ nhập cảnh của nhân viên phi hành đoàn, thông tin phi hành đoàn đã được hưởng định mức miễn phí để cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Dựa trên dữ liệu của API, ngành hải quan có thể đưa ra các cảnh bảo rủi ro về chuyến bay, hành khách như nguy cơ về buôn lậu hàng hóa, gian lận thuế..., đồng thời kiểm soát chế độ tiêu chuẩn định mức miễn thuế đối với phi công, tiếp viên đi làm nhiệm vụ.
Theo quy định Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ, phi công, tiếp viên phục vụ trên các chuyến bay sau 90 ngày sẽ được hưởng 1 lần định mức hành lý miễn thuế bao gồm nhiều loại rượu ngoại, thuốc lá điếu và xì gà...
Thời gian qua, theo ghi nhận của ngành hải quan, nhiều tiếp viên, phi công đã lợi dụng quyền miễn thuế để buôn lậu. Tháng 3.2017, hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện trường hợp tiếp viên hàng không vận chuyển 90.000 USD (khoảng 2 tỉ đồng) từ Hàn Quốc về Việt Nam.