Phát biểu tại phiên thảo luận Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung về quy hoạch sông Hồng
Ngày 3/8, tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu xem xét, thảo luận Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị), đánh giá cao nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội cũng như Nghị quyết vừa trình tại HĐND lần này. Riêng báo Kinh tế & Đô thị cũng được UBND TP giao để đăng toàn văn, lấy ý kiến đóng góp của người dân cho kế hoạch.
Góp ý về định hướng phát triển kinh tế, đại biểu đề xuất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề xuất khẩu. Theo đại biểu, 7 tháng đầu năm, Hà Nội nhập siêu 7,7 tỷ USD, trong khi theo dõi 5 năm qua, ít có tháng nào xuất khẩu vượt quá 1 tỷ USD.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề xuất bổ sung vào Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội nội dung về quy hoạch sông Hồng. Ảnh: Thanh Hải |
Cùng với việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội có xúc tiến về chương trình xuất khẩu của TP, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị đưa kế hoạch xuất khẩu vào Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 để UBND TP có cơ sở thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Theo đại biểu, kim ngạch xuất khẩu chứng minh được năng lực sản xuất của TP Hà Nội. Lâu nay, chúng ta đều nói rằng sản phẩm mũi nhọn, chủ lực của TP Hà Nội là xíclip, xe đạp, màn tuyn.
“Vậy 5 năm tới chúng ta có thể thay đổi cơ cấu xuất khẩu cũng như sản phẩm chủ lực hay không? Tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có cơ hội lớn, nếu tái cơ cấu nền kinh tế một cách triệt để bằng sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm chủ lực của các thành phần kinh tế khác. Ví dụ như thành phần kinh tế tư nhân với sản phẩm của các doanh nghiệp trẻ đang lên như Sơn Hà, Tân Á Đại Thành... và nhiều doanh nghiệp trẻ khác... thì kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng và cơ cấu mặt hàng xuất khẩu sẽ thay đổi”.
Thảo luận về vấn đề kinh tế, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, nguồn lực tài chính của TP rất lớn, “cách 5 năm tôi đọc có tài liệu viết, cứ 1 ngày 1/3 tiết kiệm từ Hà Nội chảy vào TP Hồ Chí Minh”. Do vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nên quan tâm đến quỹ đầu tư của TP Hà Nội.
“Nếu phát huy được quỹ và tập trung được nguồn lực tài chính tại quỹ đầu tư thì có thể chủ động nguồn lực tài chính cho kế hoạch cũng như các dự án đầu tư trọng điểm. Do đó, cần quan tâm tái cơ cấu cũng như tổ chức, hoạt động lại quỹ đầu tư của TP”.
Chuyển sang vấn đề quy hoạch, đại biểu cho hay, khi lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết của Đảng bộ TP Hà Nội năm 2015 vừa qua, chúng tôi có văn bản đề xuất cần quan tâm một cách đặc biệt đến quy hoạch đô thị sông Hồng.
Nhắc lại một cuộc hội thảo về quy hoạch sông Hồng cách đây 20 năm, kết quả hội thảo khi đó cho rằng, quy hoạch sông Hồng vướng đến pháp luật về đê điều. Nay, 20 năm sau, quy hoạch vẫn vướng đến pháp luật về đê điều.
“Năm 2015, có ý kiến cho rằng, nếu vướng pháp luật đê điều thì sao không đề nghị sửa? Tại sao chúng ta không áp dụng Luật Thủ đô để có cơ chế, chính sách quy hoạch cũng như đầu tư cho quy hoạch sông Hồng”.
Liên hệ với các thành phố khác, đại biểu kể lại một lần công tác tại Bangkok (Thái Lan), lúc đó, Tổng biên tập tờ báo Bangkok Post giới thiệu rằng, để có một đô thị 2 bên bờ sông Chao Phraya ở Bangkok như hiện nay phải mất 40 năm. Ở Đà Nẵng, để có Thành phố 2 bên sông Hàn cũng phải dời 1/3 số dân.
Vừa qua, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có báo báo và Chủ tịch UBND TP có chỉ đạo về quy hoạch sông Hồng. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của TP Hà Nội nội dung quy hoạch sông Hồng.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cũng đề xuất UBND và HĐND rà soát lại việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến Luật Thủ đô để tạo cơ sở cho UBND TP triển khai hoạt động trong 5 năm tới. Ví dụ vừa rồi, UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội, được người dân ủng hộ và cho rằng, chưa bao giờ có quy chế rõ ràng như vậy để thực hiện.
Để củng cố chính quyền cơ sở các cấp, cải cách hành chính, theo đại biểu, cần phải bám vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được Quốc hội thông qua năm 2015). Trong Luật có Quy định nhiệm vụ, quyền hạn đặc trưng của chính quyền đô thị. Ở Đà Nẵng, TP.HCM đã có nghiên cứu nghiêm túc về mô hình chính quyền đô thị. Đại biểu kiến nghị đưa vào Nghị quyết nội dung về mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội.
Góp ý thêm về các giải pháp nêu trong dự thảo Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Minh Đức lưu ý đến việc huy động sức dân và nguồn lực của Nhân dân Thủ đô để cùng với chính quyền, các ngành các cấp thực hiện các mục tiêu đề ra.
“Ví dụ, chúng ta thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, Thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện, nhưng phải kêu gọi được người dân ở từng mặt phố phải tham gia vào thì mới thực hiện thành công. Nếu không khơi dậy nguồn lực từ người dân thì rất khó có thế thực hiện được các mục tiêu”, đại biểu góp ý.