Đến nay, đã có ít nhất 68 người bị chết (Sơn La: 6 người; Yên Bái: 14 người; Hòa Bình: 20 người; Thanh Hóa: 16 người; Nghệ An: 9 người, Hà Nội: 2 người; Quảng Trị: 1 người). Số người bị mất tích cũng lên tới 34 người (Sơn La: 2 người; Yên Bái: 14 người; Hòa Bình: 13 người, Thanh Hóa: 5 người).
|
Đê tả Bùi 2 huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị tràn |
Bên cạnh tương vong về người, 221 nhà dân bị sập đổ hư hỏng. Số nhà bị ngập là 46.177 nhà. Các địa phương đã phải tổ chức di dời khẩn cấp: 2.298 nhà. Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởn nghiêm trọng với 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Các địa phương đang tiến hành ổn định sản xuất.
Hiện, các đơn vị chức năng đã khắc phục tạm thời tuyến đường quốc lộ 32, đường tỉnh lộ 164 và đang nỗ lực khắc phục tuyến đường tỉnh lộ 174 qua Yên Bái. Tại Hòa Bình: Tuyến quốc lộ 6 đoạn từ km131+050 đến km 131+250 và 07 tuyến đường tỉnh (432, 433, 435B, 438, 438B, 448, 450) hiện vẫn đang tắc do sạt lở và ngập úng. Tại Sơn La: Các tuyến Quốc lộ có khoảng 945 vị trí sụt lún, bồi lấp gây ách tắc giao thông 98 vị trí ( QL.37 có 34 vị trí, QL43 có 64 vị trí), hiện nay đã thông tuyến; một số tuyến đường tỉnh vẫn còn bị ách tắc. Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 2 mố. Tại Thanh Hóa: các tuyến QL đã cơ bản khắc phục thông tuyến, hiện còn các tuyến QL (16, 47, 47C) vẫn bị sạt lở, ách tắc; các tuyến tỉnh lộ đã cơ bản thông tuyến, hiện chỉ còn tỉnh lộ 519B chưa thông tuyến.
Mưa lũ làm phát sinh 143 sự cố đê điều
Theo báo cáo sáng nay (15/10) của Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT), trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều, với tổng chiều dài các tuyến đê là 27.601m. Trong đó, các sự cố đê từ cấp III trở lên là 50 sự cố, và đê dưới cấp III là 93 sự cố.
Cụ thể, trên 15 tuyến đê từ cấp III đến cấp I thuộc 6 tỉnh, TP (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 50 sự cố đê điều/9.568m, bao gồm: Sạt lở mái đê (19 sự cố/1.620m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (09 sự cố/2.425m); đùn sủi phía chân đê hạ lưu (4 sự cố); nước tràn qua mặt đê (7 sự cố/4.480m); nứt mặt đê (1 sự cố/150m); sự cố cống qua đê (4 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (5 sự cố/893m). Trong đó, trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (K17+100-K17+332); nứt, sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (K32+000-K32+225); nước tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m); sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu (K30+050); lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu Lèn (K5+950).
Trên các tuyến đê dưới cấp III hoặc đê chưa được phân cấp cũng đã xảy ra tổng cộng 93 sự cố/18.033m, gồm: vỡ đê (7 sự cố/43m); sạt lở mái đê (24 sự cố/1.719m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (4 sự cố/200m); đùn sủi (8 sự cố); nước tràn qua đê (34 sự cố/15.570m); nứt mặt đê (2 sự cố/170m); sự cố cống qua đê (9 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (4 sự cố/31m). Trong đó, có các sự cố nguy hiểm như: sự cố lủng mang cống trạm bơm Quang Hoa tại K14+350 đê hữu Cầu Chày; sự cố sập hai bên mang cống Ông Công đê hữu sông Hoàng; 10 đoạn đê tả, hữu Cầu Chày bị tràn và xấp xỉ tràn.