Ngày 22-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố đối với Dương Minh Sáng (28 tuổi, trú tại số 14B, Ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè , TP Hồ Chí Minh) về tội "vận chuyển tiền giả".
Khoảng 17h30 ngày 21-6, tổ công tác của Phòng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Lạng Sơn) phối hợp với Phòng 3, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an) làm nhiệm vụ tại khu vực ngã ba Cổng Trắng (thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) bắt quả tang 2 người đàn ông giấu 5 cọc tiền loại mệnh giá 200.000 đồng, nghi là tiền giả.
Sáng cùng tang vật của vụ án.
Danh tính người này được xác định là Dương Minh Sáng (28 tuổi, trú tại số 14B, Ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè , TP Hồ Chí Minh). Còn người điều khiển là Lăng Văn V. một làm nghề xe ôm người địa phương
Khai thác nhanh đối với Dương Minh Sáng, anh ta thừa nhận 5 cọc tiền trên là tiền giả, có tổng giá trị là 100 triệu đồng. Qua giám định số tiền thu giữ của Sáng là tiền Việt Nam giả.
Tại cơ quan điều tra, Dương Minh Sáng khai nhận, bản thân là nhân viên tổ chức sự kiện tại TP Hồ Chí Minh. Do cần tiền đầu tư mua thiết bị âm thanh (loa đài, âm ly…) phục vụ cho công việc nên Sáng đã nảy sinh ý định đến Lạng Sơn tìm mua tiền giả bán kiếm lời.
Ngày 19-6, Sáng đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội rồi tiếp tục đón xe khách lên thành phố Lạng Sơn để tìm nguồn mua tiền giả. Khoảng 8h30 sáng 21-6, Dương Minh Sáng đón xe khách đi lên khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng.
Tại đây, Sáng gặp một người phụ nữ và lân la dò hỏi mua tiền giả rồi được hướng dẫn vượt biên từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tại đây, Sáng gặp một người đàn ông khoảng 40 tuổi, để giao dịch mua bán tiền giả. Giá cả được 2 bên thỏa thuận là đổi 20 triệu đồng thật lấy 100 triệu đồng tiền giả.
Sau khi đã mua được tiền, Sáng vượt biên quay trở về Việt Nam thì bị bắt.
Thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt tài khoản quảng cáo dịch vụ mua bán tiền giả với mức giá cực ưu đãi.
Rao bán tràn lan
Tài khoản mang tên “P.T.K” quảng cáo: 1 triệu thật đổi 10 triệu giả, đảm bảo chỉ có máy soi mới phát hiện được chứ mắt thường không thể thấy. Các mệnh giá tiền gồm: 500 ngàn, 200 ngàn, 100 ngàn, 50 ngàn. Hình thức thanh toán duy nhất là chuyển tiền bằng card điện thoại kèm mã seri, sau đó cung cấp địa chỉ và sẽ có người giao hàng...
Người này không quên khuyến cáo khách hàng không nên sử dụng tiền giả tại siêu thị, cửa hàng mua bán, quầy đổ xăng hoặc giao dịch với ngân hàng; chỉ nên sử dụng tại các quán ăn, quán nhậu, quán bar - vũ trường, quầy massage...
Để tăng độ tin cậy, tài khoản nói trên đăng tải hàng loạt hình ảnh về việc chuẩn bị đi gửi tiền giả cho khách đã đặt hàng. Trong ảnh là một vài gói bưu phẩm được cho là tiền giả, bên ngoài có kèm theo hóa đơn và thông tin của người mua…
Tương tự, trên một trang “Đổi tiền giả” với la liệt hình ảnh các cọc tiền mệnh giá lớn, kèm theo lời mời gọi: “Anh-chị-em đang gặp khó khăn về tiền bạc thì hãy liên hệ với chúng tôi. Luôn cung cấp tiền giả với đủ các mệnh giá, tỉ lệ 1 ăn 9. Chất liệu polyme giống tiền thật 96%, đảm bảo tiêu cực dễ mà không bị phát hiện”.
Để mua được tiền giả, khách hàng sẽ phải thanh toán trước 50% nếu giao dịch dưới 5 triệu đồng và 20% nếu giao dịch từ 5 triệu đồng trở lên, trả tiền cọc và thanh toán bằng thẻ cào Mobi, Viettel, Vina...
Mặc dù tỉ lệ quy đổi của các chủ tài khoản bán tiền giả có khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung: Yêu cầu khách phải thanh toán tiền cọc trước. Lý do những tài khoản này đưa ra bởi đây là hàng cấm, tránh tình trạng người mua không ra nhận, mất công đi lại… Hình thức thanh toán có thể bằng thẻ điện thoại, thẻ game hoặc thông qua tài khoản ngân hàng… nhưng tuyệt đối không giao dịch trực tiếp (giao hàng rồi mới trả tiền).
Chỉ là lừa đảo
Đầu tháng 2-2016, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) và Công an TP Hà Nội đã bắt khẩn cấp Hà Văn Lâm (trú Hoài Đức, Hà Nội) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lâm là chủ tài khoản Facebook tên “Sang Ngoc”, chuyên đăng tin rao bán tiền giả với tỉ lệ: 500.000 đồng tiền thật mua được 1,7 triệu đồng tiền giả; 1 “ăn” 3, 5; 3 “ăn” 12...
Lâm yêu cầu khách phải giao dịch từ 500.000 đồng trở lên và chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Quá trình điều tra, C50 xác định đã có bị hại hám lợi chuyển khoản để mua tiền giả nhưng sau đó Lâm cắt liên lạc, chặn Facebook của người giao dịch.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng C50, đây là hình thức lừa đảo để người ta chuyển tiền rồi chiếm đoạt luôn chứ không phải đổi tiền giả. Lợi dụng lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin của người dân, các đối tượng xấu đã nghĩ ra rất nhiều chiêu trò nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó có việc rao bán tiền giả trên Facebook.
Thông tin thêm, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50, Công an TP Hà Nội) cho biết thực chất các tài khoản cá nhân, hội nhóm trên không hề có tiền giả. Đây chỉ là những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Các đối tượng sẽ đánh lừa người dùng bằng chiêu thức rao bán tiền giả với mức giá hấp dẫn. Khi nhận được tiền từ khách hàng chuyển bằng thẻ điện thoại hoặc qua tài khoản ngân hàng, các đối tượng này sẽ lập tức “cao chạy xa bay”, cắt đứt liên lạc với nạn nhân. PC50 cũng đã từng điều tra một số vụ việc về loại hình lừa đảo này.
Mua bán tiền giả, bắt được là đi tù
Hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo Điều 180 BLHS. Tùy theo số tiền mà mức phạt tù được ấn định từ ba năm trở lên, có thể lên tới hình phạt tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trường hợp rao bán tiền giả mà thực chất không có tiền giả để bán (chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền), nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người phạm tội sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS.