VKSND tối cao vừa đề nghị VKSND TP HCM xem xét dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với luật sư Vương Trọng Vĩnh (Đoàn luật sư TP HCM) trong vụ kiện đòi nợ thân chủ 533 triệu đồng. Tòa án các cấp cũng có dấu hiệu ra bản án trái pháp luật khi buộc bà Trần Thị Kim Phượng (thân chủ của ông Vĩnh) phải trả số tiền này.
Vụ án xảy ra hơn 10 năm trước, hiện bà Phượng vẫn gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng.
Sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu của bà Phượng, VKSND Tối cao cũng đề nghị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao làm rõ dấu hiệu chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Gò Vấp (TP HCM) sai phạm trong quá trình thi hành án. Cục THADS thành phố cũng đã yêu cầu Chi cục THADS quận Gò Vấp xem xét giải quyết trả lời đương sự.
Theo nội dung vụ án, năm 2003, sau khi chồng mất, bà Phượng ủy quyền cho luật sư Vĩnh làm đại diện trong vụ tranh chấp về thừa kế với con riêng của chồng ở TAND quận Gò Vấp. Bà thỏa thuận trả cho luật sư 30 triệu đồng cùng 30% giá trị tài sản được chia.
Bà Phượng cho biết, vì tin tưởng luật sư nên bà đồng ý viết khống giấy vay 300 triệu đồng để hợp thức hóa khoản thù lao. Năm 2005, bà Phượng chấm dứt ủy quyền với ông Vĩnh vì làm nhiều năm không có kết quả. Bà tự thỏa thuận với các đồng thừa kế và được hưởng 500 triệu đồng từ giá trị tài sản chồng để lại.
Ông Vĩnh yêu cầu bồi dưỡng 100 triệu đồng, bà không đồng ý nên hạ xuống còn 50 triệu. Luật sư từ chối trả lại tờ giấy nhận nợ khống trước đó với lý do "đã xé". Vì ông Vĩnh thúc ép trả tiền, nếu không sẽ kiện đòi khoản tiền theo giấy nợ nên bà Phượng tố cáo lên Công an quận Tân Bình.
Làm việc với công an, ông Vĩnh phủ nhận việc ép bà Phượng viết giấy nợ. Sau khi công an có quyết định không khởi tố vụ án, ông Vĩnh xuất trình giấy thể hiện bà Phượng vay mình 400 triệu, lãi suất 1% mỗi tháng và kiện ra tòa.
Năm 2007, TAND quận Gò Vấp căn cứ vào giấy nhận nợ này, chấp nhận yêu cầu của luật sư Vĩnh, buộc bà Phượng phải trả hơn 533 triệu đồng cả gốc và lãi.
Bà Phượng khẳng định chỉ viết giấy nợ khống 300 triệu, hoàn toàn không viết, ký, lăn tay vào giấy nợ 400 triệu đồng. Bà yêu cầu được giám định lại giấy nợ do kết quả giám định chưa khách quan nhưng tòa không chấp nhận. Bà kháng cáo nhưng TAND TP HCM khi xử phúc thẩm giữ nguyên phán quyết.
Năm 2008, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Gò Vấp kê biên, bán đấu giá căn nhà trên đường Quang Trung nơi mẹ con bà Phượng ở, để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án. Căn nhà này được bán với giá 1,2 tỷ đồng.
Một năm sau, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy hai bản án trước đó, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại với lý do "vi phạm nghiêm trọng tố tụng, nhiều nội dung còn mâu thuẫn chưa được làm rõ". Theo HĐXX, tòa án các cấp dựa vào giấy vay tiền ghi ngày 19/3/2003 và các kết luận giám định của cơ quan giám định để buộc bà Phượng phải trả tiền cho ông Vĩnh là chưa có căn cứ.
Đồng thời, luật sư có nhiều lời khai mâu thuẫn, lúc nói cho bà Phượng mượn, lúc nói là tiền thù lao. Nhiều đoạn ghi âm bà Phượng cung cấp cho tòa về nội dung các cuộc trao đổi với ông Vĩnh (sau khi tòa Gò Vấp giải quyết tranh chấp) chưa được giám định và làm rõ.
Do bà Phượng về huyện Cần Giộc (Long An) sinh sống nên TAND quận Gò Vấp chuyển hồ sơ cho tòa địa phương thụ lý. Khi TAND huyện Cần Giuộc yêu cầu luật sư Vĩnh nộp bản gốc "giấy vay nợ" vì trong hồ sơ không có, thì ông này rút đơn khởi kiện. Ngày 12/11/2012, tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Bà Phượng đề nghị thi hành án và UBND quận Gò Vấp tạm dừng việc sang tên, cấp sổ cho người mua trúng đấu giá căn nhà của mình, nhưng bất thành. Bà kiện UBND quận Gò Vấp, yêu cầu hủy quyết định cấp sổ cho người trúng đấu giá nhưng không được chấp nhận.
Hồi tháng 7, TAND TP HCM xử phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của bà. Theo tòa, tại thời điểm khởi kiện, chưa có cơ quan nào hủy bỏ kết quả bán đấu giá, không thể buộc người mua giao nhà lại. Bà Phượng phải khởi kiện cơ quan làm sai, đòi bồi thường thiệt hại tương đương với giá trị căn nhà đã bị kê biên, bán đấu giá.
Bà Phượng cho biết, bị cuốn vào vòng tố tụng hơn chục năm qua khiến gia sản khánh kiệt, cuộc sống đảo lộn. Từ chỗ có nhà cửa ở Sài Gòn, đất đai ở quê, vì phải vay nóng để đi kêu cứu khắp nơi, ra tận Hà Nội mà giờ bị siết nợ phải đi ở nhờ nhà anh chị em.