Theo đó, quy định quá thời hạn chuyển đổi 6 tháng phải sát hạch lại lý thuyết đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, hàng triệu người đã phải khốn khổ vì quy định nêu trên suốt nhiều tháng qua.
Một mệnh lệnh hành chính vô lý
Điều 57, Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT quy định, GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: GPLX ô tô và GPLX hạng A4: trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3): trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có GPLX bằng giấy bìa sẽ phải sát hạch lý thuyết để cấp lại GPLX.
Người dân chờ làm thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe. Ảnh: Phạm Hùng |
Anh Dư Trung Tưởng (Mỹ Đức) cho biết: “Đọc quy định tôi không những sợ sẽ phải thi lại lý thuyết nếu quá hạn chuyển đổi; mà còn sợ sử dụng GPLX chưa chuyển đổi sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt khi tham gia giao thông”. Với tâm lý lo ngại đó đã khiến người dân cả nước đổ xô đi đổi GPLX dù rất bức xúc, thậm chí nhiều người còn phải bỏ làm, xếp hàng từ sáng sớm để đăng ký cấp đổi GPLX. Càng gần đến kỳ hạn nêu trong Thông tư số 58, lượng người chen chúc đăng ký tại các Sở GTVT địa phương càng tăng mạnh khiến cơ quan cấp đổi cũng vô cùng bối rối, vất vả.
Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Đình Nghĩa cho biết, chỉ riêng 2 tháng 10 và 11 vừa qua, bộ phận Một cửa của Sở đã cấp, đổi 78.000 GPLX các loại, trong đó có 52.000 GPLX hạng A1 (GPLX lái xe máy). Ngoài ra, còn có 8.500 GPLX được cấp đổi tại trụ sở 40 cơ quan. “Thực tế này khiến cả con người lẫn máy móc của chúng tôi đều rơi vào tình trạng quá tải” - ông Nghĩa nói.
Nói về khoản lệ phí cấp đổi GPLX sang vật liệu PET là 135.000 đồng/chiếc, chị Lê Thu Hà (Hà Đông) nhìn nhận: “Chúng tôi đã phải trả lệ phí làm GPLX lúc đầu rồi. Nay việc đổi sang vật liệu mới là do Bộ GTVT quy định, ép buộc người dân bằng một mệnh lệnh hành chính. Chúng tôi không hề muốn phải bỏ công, bỏ việc, tốn tiền để đi xếp hàng đổi làm gì. Thu của chúng tôi số tiền đó có hợp lý hay không?”. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trao đổi với báo chí rằng, khoản lệ phí rất thấp, số tiền người dân phải nộp chỉ là để mua vật liệu PET. Tuy nhiên, chị Hà nói: “Số tiền 135.000 đồng đối với một số người có thể là nhỏ nhưng với những người thu nhập thấp thì lại không hề nhỏ. Hơn nữa, bị “ép” phải chi tiền thì chẳng ai vui vẻ cả. Ngoài lệ phí, còn những ngày phải bỏ việc đi xếp hàng từ sáng sớm chờ đổi, chi phí đi lại của chúng tôi nữa có đáng để suy nghĩ không?”.
Ai chịu trách nhiệm?
Ngày 30/11, Cục Kiểm tra quy phạm văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản yêu cầu Bộ GTVT dừng thực hiện Điều 57 trong Thông tư số 58. Theo đó, việc buộc người dân phải đổi GPLX sang vật liệu PET là không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất, hợp pháp và không phù hợp với pháp luật hiện hành. Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật. Động thái này của Bộ Tư pháp đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Nhân dân, dư luận.
Ngày 1/12, Bộ GTVT đã thông tin về việc sửa đổi Thông tư 58, bãi bỏ quy định phải sát hạch lại lý thuyết nếu người dân để quá hạn chuyển đổi GPLX. Thế nhưng, một lần nữa, người dân “được vạ thì má đã sưng”. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 95% GPLX ô tô (5 triệu chiếc) và 40% GPLX máy trên cả nước đã được chuyển đổi sang vật liệu PET. Trong số đó đã có biết bao nhiêu người phải lãnh nhận hậu quả từ một mệnh lệnh hành chính “vô lý” và mang tính áp đặt nêu trên. Những thiệt thòi người dân phải gánh chịu sẽ do ai bù đắp?
Đại diện Bộ GTVT khẳng định trước khi ban hành Thông tư số 58 đã lấy ý kiến rộng rãi của các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, luật sư Hoàng Đạo - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi GPLX sang vật liệu PET, hơn nữa còn mất phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Bộ GTVT không chỉ cần lấy ý kiến các bộ, ngành mà còn phải lấy ý kiến của người dân. “Trên GPLX có thời hạn sử dụng rõ ràng, đó là một lời hẹn của cơ quan quản lý nhà nước với người dân. Giữa chừng lại hủy hẹn, “ép” người dân đi đổi, trả phí, như vậy là xâm phạm đến quyền lợi và gây thiệt hại cho dân. Bộ GTVT chí ít phải có lời xin lỗi, giải thích rõ ràng đối với họ” - ông Đạo nói.
Điều 57 tại Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT đã được sửa đổi, sẽ chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, dư luận Nhân dân đang mong chờ những động thái cầu thị, thẳng thắn hơn nữa từ Bộ GTVT. Như đề nghị của Cục Kiểm tra quy phạm văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cần xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, gây khó khăn, thiệt hại cho người dân trong suốt thời gian qua.
Đề nghị Bộ GTVT rà soát quá trình thực hiện Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật theo quy định tại Điều 134, Nghị định số 34/2016/NĐ - CP. (Trích văn bản của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) |