Ngày 13/6, Công an thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. xảy ra. Nạn nhân là chị Trần Thị N., cư trú tại ấp 9, xã Long Tiên, thị xã Cai Lậy.
Cụ thể, theo đơn tố giác của chị N., ngày 8/6, chị nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là nhân viên tổng đài bưu điện, thông báo chị đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước điện thoại, yêu cầu chị phải thanh toán, nếu không nhà mạng sẽ cắt số điện thoại đang sử dụng và trừ cước vào tài khoản của chị trong 2 giờ tới.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội, thông báo tài khoản của chị N. có liên quan đến việc rửa tiền và ma túy, dọa sẽ đóng băng tài khoản của chị N. trước 17h ngày 8/6.
Sau đó, chúng hướng dẫn chị N. chứng minh là mình không liên quan đến vụ án bằng cách mở tài khoản ViettelPay và nộp vào 200 triệu đồng.
Vì lo sợ có liên quan, chị N. đã đến cửa hàng Viettel tại khu phố 1, phường 5, thị xã Cai Lậy, để mở tài khoản rồi nạp 200 triệu đồng. Tiếp theo, nhóm này tiếp tục yêu cầu chị N. mở 2 tài khoản tại 2 ngân hàng khác nhau và chuyển vào 2 tài khoản này số tiền 922 triệu đồng.
Sau khi chuyển xong, chị N. nghi ngờ mình đã bị lừa, nên đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện số tiền chuyển vào 2 tài khoản trên đã bị người khác chiếm đoạt.
Tổng số tiền chị N. bị chiếm đoạt là 1,122 tỷ đồng.
Người dân cần làm gì để tránh mất tiền
Theo Bộ Công an, cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc; tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.
Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... người dân cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.
Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội; không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.