Ngày 8/10, trên trang cá nhân chị Trần Ngọc Thanh H. (ngụ quận 4-TP.HCM) chia sẻ câu chuyện khám bệnh của mình tại 1 phòng khám tư và nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Trưa 10/10, trao đổi với chúng tôi, chị H. khẳng định những thông tin viết trên facebook hoàn toàn đúng sự thật.
Từ bình thường, khám xong thấy đủ thứ bệnh
Chị H. cho biết, bản thân muốn đi khám phụ khoa định kì chứ sức khỏe vẫn bình thường, chưa thấy có dấu hiệu bệnh trong người. Vì không thích cảnh chờ đợi hàng giờ ở những bệnh viện lớn nên H. chọn phòng phòng khám tư nhân Hoàn Cầu trên đường Châu Văn Liêm (quận 5-TP.HCM).
Phòng khám đa khoa Hoàn Cầu.
“Ngày 25/8/2016, em đi với mẹ tới khám tổng quát. Em được siêu âm, nội soi, thử máu, thử nước tiểu ở đó. Bác sĩ L. là người trực tiếp khám nhưng nói chuyện với em bằng tiếng Việt và trao đổi với bác sĩ khác lại là tiếng Trung Quốc. Riêng siêu âm, nội soi thì bác sĩ Trung Quốc thực hiện”, H. cho biết.
Sau khi xong hết, thì bác sĩ kết luận H. bị: viêm âm đạo, viêm loét cổ tử cung thời kì 2, chuẩn bị bước sang ung thư, ứ dịch vùng chậu, nang naboth cổ tử cung (những u nhỏ, hình thành trên bề mặt tử cung, là một tổn thương lành tính-PV), huyết trắng và không còn cách điều trị nào khác là phải mổ.
Câu chuyện chị H. chia sẻ trên trang cá nhân
Vì nghĩ bệnh thật nên chị H. chấp nhận phác đồ điều trị của phòng khám. Bác sĩ cho bệnh nhân lựa chọn những phác đồ ở nhiều mức giá như đau, không đau, không để lại biến chứng…
Theo đó, bệnh nhân được khuyên phẫu thuật điều trị nang naboth và viêm loét cổ tử cung. “Còn dịch vùng chậu không cần phẫu thuật, trong quá trình truyền thuốc sẽ tự chảy ra ngoài”, H. kể.
Theo lời tư vấn của phòng khám, phẫu thuật cổ tử cung có 3 mức giá: 5,8 triệu công nghệ laser tê của Việt Nam, đau và biến chứng sau này. Mức 9,8 triệu là công nghệ Hàn Quốc, có thuốc mê và không biến chứng, không đau và mức 13,8 triệu được quảng cáo là công nghệ của Mỹ, đảm bảo không bị gì.
Chị H. với số hóa đơn đã chi trả trong quá trình điều trị.
Còn phẫu thuật nang có 3 mức giá. Mức 9,8 triệu sẽ đau, có sẹo sau này. Mức 16,8 triệu thì không đau và không biến chứng và mức 19,8 triệu cũng là công nghệ dao Leep của Mỹ, rất an toàn.
Hoảng hồn vì đủ thứ chi phí phát sinh
Ngày 17/9 vừa qua, sau một thời gian suy nghĩ, chị H. cho biết đã quyết định phẫu thuật nội soi tại phòng khám. "Trước đó là khoảng thời gian em sống trong lo lắng vì không nghĩ mình còn trẻ lại bị mấy bệnh đó, tuy nhiên sức khỏe vẫn bình thường", chị H. nói.
Chị H. chọn gói phẫu thuật cổ tử cung 9,8 triệu và gói phẫu thuật nang 16,8 triệu. Trước ngày lên mổ thì bên bệnh viện lại yêu cầu mang thêm 12,8 triệu nữa đi, để hút dịch vùng chậu dù trước đó bác sĩ giải thích là dịch sẽ tự ra trong quá truyền thuốc.
Một hóa đơn không ghi chi tiết từng dịch vụ điều trị với số tiền 35,8 triệu đồng. Trong đó khoản chung chung là "phí điều trị phục hồi cổ tử cung" đã "ngốn" của bênh nhân hơn 34 triệu đồng.
“Phòng khám giải thích là truyền thuốc sẽ ra, nhưng dịch sẽ tụ lại. Tổng chi phí hôm đó là 40,9 triệu gồm tiền phẫu thuật cổ tử cung, nang, hút dịch và thêm 1,5 triệu để truyền thuốc ngay trong hôm đó”, chị H. cho biết.
Sau phẫu thuật, bác sĩ bảo H. phải truyền thuốc từ 3 đến 7 ngày, rồi lấy thuốc về uống, đến kỳ kinh kế tiếp khi hết sạch kinh thì quay lại truyền thuốc 3 ngày. Sau đó, bệnh nhân cũng điều trị như vậy khi sạch kinh trong hai tháng tiếp. Mỗi ngày truyền thuốc là 1,5 triệu đồng.
Nhiều hóa đơn do có nhiều chi phí phát sinh trong khi điều trị.
H. kể tiếp: “Em không rõ là truyền thuốc gì nhưng cũng như truyền nước biển. Trong những ngày truyền thuốc thấy em cơ thể bình thường. Dù vậy trước khi mổ nội soi vùng kín em không hề ra dịch. Thế nhưng sau phẫu thuật lại ra dịch vùng kín rồi từ dịch chuyển sang máu. Em có hỏi thì bác sĩ nói là bình thường”.
Cục bông gòn giá 2,8 triệu?
Sau phẫu thuật, những ngày còn lại chị H. tiếp tục đến truyền thuốc như phác đồ điều trị. Tuy nhiên, sau 7 ngày phòng khám lại nài nỉ truyền thêm một ngày. Sau 8 ngày truyền dịch, bệnh nhân quay lại lấy thuốc thì không được cấp như đã hứa, mà nói phải đặt thuốc, nằm đèn hồng quang với giá là 700.000 đồng/ngày, nằm từ 3 đến 5 ngày.
Hóa đơn đặt thuốc với giá 700 nghìn đồng.
“Và như kịch bản cũ, em phải nằm 5 ngày trong khi việc này không có trong phác đồ. Sau 5 ngày mình nghĩ sẽ được về thì họ kêu bây giờ phải đặt cái màng bảo vệ tử cung để kháng khuẩn với giá 2,8 triệu”, H. nói.
Bệnh nhân có yêu cầu xin toa thuốc để tự lấy thì phòng khám bảo thuốc ở bên Trung Quốc đem qua, mua ngoài không có. Sau đó chị H. được cấp những bịch thuốc màu đen, nâu không có nhãn mác, hàm lượng, thành phần rõ ràng. “Em cũng không dám uống một viên nào”, H. nói.
Những số thuốc H. đã lấy nhưng không dám uống.
Số thuốc đều không có hàm lượng, nhãn mác rõ ràng.
Cô Nguyễn Xuân Tiên (mẹ của H.) cho biết: “Những ngày sau thấy tốn tiền quá nên gia đình sinh nghi. Liền đưa H. đến Bệnh viện phụ sản Quốc tế vào ngày 6/10 và bác sĩ nhận định vật mà phòng khám Hoàn Cầu nói là để bảo vệ màng tử cung là... cục bông gòn!”.
Cô Tiên trực tiếp đưa H. đi khám.
“Qua xem hình siêu âm trước phẫu thuật tại phòng khám Hoàn Cầu, bác sĩ ở đây nhận thấy cổ tử cung trước khi khám cổ tử cung láng, không loét, không có nang napoth vậy mà họ lại chuẩn đoán H. bị bệnh này bệnh kia. Bây giờ sức khỏe H. đỡ hơn cách đây vài ngày, ít ra dịch hơn”, cô Tiên bức xúc.
“Trong khi em hỏi thì mới vỡ lở ra, gói mổ nang cao cấp nhất (19,8 triệu) mà bên phòng khám làm thì bên bệnh viện phụ sản Quốc Tế này chỉ có 600 ngàn.”, chị H. chia sẻ.
"Bệnh nhân vui vẻ điều trị, sẵn sàng kí cam kết"
Sau khi câu chuyện được viết trên trang cá nhân, đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận bức xúc, trong đó có hàng loạt ý kiến phẫn nộ về câu chuyện phòng khám tìm đủ cách kê đơn, khai khống để lừa tiền bệnh nhân. H. cho biết, sáng 10/10, đại diện phòng khám có gọi điện nhờ H. gỡ bài viết trên mạng XH và muốn gặp trực tiếp để thương thảo về vấn đề này.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Oanh (chủ đầu tư phòng khám Hoàn Cầu) cho biết: “Qua nhân viên báo lại, tôi cũng chỉ mới biết chuyện chị H. viết trên trang cá nhân và đã hẹn sẽ đến nhà giải quyết vấn đề này. Trước đó, chị H. có khám tại phòng khám và do bác sĩ L. (người Trung Quốc) trực tiếp thăm khám”.
Chủ đầu tư cho biết, sẽ làm việc với H. và cung cấp thêm thông tin.
Theo bà Oanh, đến thời điểm hiện tại, chị H. vẫn chưa có thắc mắc với bên phòng khám về số tiền khám và chưa đưa ra khiếu nại nào. “H. vui vẻ điều trị, hết bệnh nên đi bệnh viện khác khám thì làm sao còn bệnh được. Nếu H. điều trị bên phòng của tôi không hết bệnh mà đi chỗ khác lại hết thì đấy mới là cái lỗi bên phòng khám”, bà Oanh nói.
Về chuyện bác sĩ chẩn đoán đủ thứ bệnh cùng chi phí phát sinh nhiều, bà Oanh thông tin: “Bác sĩ khi khám bệnh thì đúng theo nghiệp vụ. Hơn nữa, tôi cũng chỉ là chủ đầu tư nên không thể nắm rõ về bệnh tình của chị H. Khi đề cập đến chi phí điều trị thì cũng cho bệnh nhân biết mức giá, họ kí cam kết đồng ý mới mức giá đó thì mới điều trị chứ đâu phải ép buộc gì”.
Bà Oanh cho biết, sau buổi làm việc với chị H. sẽ cung cấp thêm thông tin cho báo chí.