Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày, giờ nào đẹp?
Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023 rơi vào Chủ nhật ngày 5 tháng 2 Dương lịch. Lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được thực hiện vào giờ Ngọ (11 giờ đến 12 giờ 59) ngày chính Rằm (15 tháng Giêng Âm lịch). Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19 giờ ngày 15 tháng Giêng là được.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo các chuyên gia phong thuỷ, ngoài 2 ngày 14 và 15 âm lịch, gia chủ không nên cúng rằm tháng Giêng 2023 vào ngày khác.
Ngày chính Rằm (15 tháng Giêng), khung giờ tốt gồm: Đinh Mão (5 giờ-7 giờ): Giờ Ngọc Đường hoàng đạo, Canh Ngọ (11giờ-13 giờ): Giờ Tư Mệnh hoàng đạo, Nhâm Thân (15 giờ-17 giờ): Giờ Thanh Long hoàng đạo, Quý Dậu (17 giờ-19 giờ): Giờ Minh Đường hoàng đạo.
Ngày 14 tháng Giêng, khung giờ tốt gồm: Bính Thìn (7 giờ-9 giờ): Tư Mệnh hoàng đạo, Mậu Ngọ (11 giờ-13 giờ): Thanh Long hoàng đạo, Kỷ Mùi (13 giờ-15 giờ): Minh Đường hoàng đạo, Nhâm Tuất (19 giờ-21 giờ): Kim Quỹ hoàng đạo.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình, có to làm to, có nhỏ làm nhỏ, không câu nệ, nhớ có các món cơ bản là được. Tuy nhiên, mâm cỗ cần được chuẩn bị tươm tất, sạch sẽ và thơm ngon để chứng tỏ lòng thành.
Mâm cỗ mặn dùng để cúng Gia tiên, còn mâm cỗ chay dùng để dâng Phật.
Mâm cỗ mặn cúng Gia tiên
Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim.
Mâm lễ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm. Đồ lễ khác gồm: Hương, hoa, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, thuốc lá...
Mâm cúng Rằm tháng Giêng dâng Phật
Đối với mâm cúng Phật dù ngày Rằm hay mùng 1 cũng tuyệt đối không cúng đồ mặn. Mâm cúng Phật nhẹ nhàng và không cần cầu kỳ phức tạp, chủ yếu là cần hoa thơm, trái ngọt tượng trưng cho sự thanh thản, an nhiên.
Mâm cúng Phật trong ngày Rằm tháng Giêng chủ yếu là các món xôi chè, rau xào chay, đậu phụ, canh rau củ quả. Nhiều nhà không cúng cỗ rau củ mà chỉ bày hoa quả và các loại bánh bao chay như bánh bao hình đào tiên, hoa cúc, hoa đào... Lễ vật dâng Phật cũng cần đèn nến, hương hoa đủ hương, hoa, đăng, trà, thực.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!