Cúng Rằm tháng Giêng vào giờ nào?
Trong thực tế tùy theo từng gia đình, người dân sẽ cúng Rằm tháng Giêng vào những thời gian sau:
- Ngày 14 âm lịch: Một số gia đình thường cúng rằm sớm vào ngày 14 để tránh ngày chính rằm đông đúc. Ngoài ra để tiện tham gia dự tiệc rằm ở các gia đình khác hoặc các lễ hội rằm. Có thể thực hiện cúng trưa hoặc chiều ngày 14 tháng Giêng.
- Ngày 15 âm lịch: Đây là thời điểm phổ biến nhất để thực hiện nghi lễ cúng Phật và Gia tiên. Có thể cúng vào sáng, trưa, tối ngày 15 tháng Giêng. Nếu gia đình bạn thực hiện lễ dâng sao giải hạn và thả đèn hoa đăng thì nên cúng vào buổi tối ngày 15.
Dù cúng vào thời điểm nào, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng thành kính khi dâng lễ và tiện lợi cho hoạt động của gia đình bạn.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng 2025 cần những gì?
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không khác nhiều so với mâm cỗ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, cúng Rằm tháng Giêng cũng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy. Ngày Rằm tháng Giêng, mọi người thường làm mâm cỗ mặn cúng gia tiên và mâm cỗ chay để cúng thần linh.
Tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế, điều kiện thời gian của từng gia đình mà mâm lễ mỗi nhà mỗi khác, tuy nhiên đều thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn đối với ông bà, tổ tiên và tấm lòng thành kính, tri ân Phật, thánh.
Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng
Theo các chuyên gia phong thủy, mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng dâng lên gia tiên thường có 4 bát 6 đĩa. Thông thường, 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến và mọc; 6 đĩa gồm thịt gà hoặc lợn luộc, giò/chả, nem, món xào, dưa hành, xôi hoặc bánh chưng.
Ngoài ra còn các lễ vật: Hương, hoa, đèn nến, vàng mã, trầu cau, rượu.
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng
Mâm cỗ chay cúng Phật ngày Rằm tháng Giêng phải có 5 màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: Đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thổ), trắng (thủy) và vàng (kim) và đủ 10 món, gồm các món ăn từ tứ phương - sông, núi, biển, đồng bằng. Tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi nếu có.
Đặc biệt trong mâm cỗ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng dâng Phật gồm những gì?
Đối với mâm cúng Phật dù ngày Rằm hay mùng 1 cũng tuyệt đối không cúng đồ mặn. Mâm cúng Phật nhẹ nhàng và không cần cầu kỳ phức tạp, chủ yếu là cần hoa thơm, trái ngọt tượng trưng cho sự thanh thản, an nhiên.
Mâm cúng Phật trong ngày Rằm tháng Giêng chủ yếu là các món xôi chè, rau xào chay, đậu phụ, canh rau củ quả. Nhiều nhà không cúng cỗ rau củ mà chỉ bày hoa quả và các loại bánh bao chay như bánh bao hình đào tiên, hoa cúc, hoa đào... Lễ vật dâng Phật cũng cần đèn nến, hương hoa đủ hương, hoa, đăng, trà, thực.
Những lưu ý khi cúng Rằm tháng Giêng
Cúng Rằm tháng Giêng là một trong những lễ cúng quan trọng, do đó khi cúng chúng ta cần lưu ý những điều sau đây để nghi lễ diễn ra suôn sẽ và đúng phong tục:
- Việc cúng Rằm tháng Giêng hoàn toàn là theo tín ngưỡng riêng của từng gia đình, không phải bắt buộc và cũng không nên cúng theo mê tín quá nhiều.
- Chuẩn bị mâm cúng đầy đủ và phù hợp, không cần quá cầu kỳ nhưng phải chỉnh chu để thể hiện lòng thành tâm.
- Mâm cúng Phật thì nên làm mâm cúng Chay thanh tịnh, còn cúng gia tiên thì có thể chuẩn bị thêm các món mặn truyền thống.
- Khi cúng dâng sao giải hạn cần phải chuẩn đúng bị số lượng nến và bài vị và hướng lạy đúng theo sao chiếu mệnh.
- Trong lễ cúng Rằm tháng Giêng chỉ nên cầu xin sức khỏe, bình an và may mắn, không nên cầu xin tiền bạc và danh vọng, vì đây là một lễ cúng mang ý nghĩa thanh tịnh và hướng thiện.
- Khi cúng cần thể hiện lòng thành tâm, không nên qua loa đại khái.
Dân gian ta có câu về rằm tháng Giêng như sau: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, vì vậy, hãy chuẩn bị lễ cúng chu đáo và thành tâm để có một năm may mắn, bình an!
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!