Sáng nay (12/1), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo khác trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tiếp tục với phần bào chữa của luật sư cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa
Luật sư phản đối kết luận của VKS
Sáng 12/1, trong phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Văn Quynh bào chữa cho cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh đã phản đối kết luận của VKS cũng như cáo trạng khi quy kết thân chủ của mình "quanh co chối tội".
"Kết luận như vậy là đi ngược nguyên tắc suy đoán vô tội", luật sư nêu quan điểm và dẫn một số quy định về tố tụng hình sự cho rằng trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Người bị buộc tội không buộc phải chứng minh mình vô tội.
Dẫn điều 61, 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 về "quyền im lặng", ông Quynh nói liên tưởng tới phiên tòa xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga diễn ra hồi giữa năm 2017. Tham gia phiên tòa này, ông nhận thấy bị cáo Nga đã sử dụng quyền im lặng suốt một thời gian dài rồi mới khai và theo ông đó là "cách tự bảo vệ" trong bối cảnh tất cả các lời khai khác chống lại mình.
Hai ngày trước, tại tòa ông Quynh đã hỏi điều tra viên về căn cứ cáo buộc ông Thanh khai báo không thành khẩn và được giải thích: "Với chứng cứ và lời khai hai ngày hôm nay của các bị cáo khác đã thể hiện tương đối rõ ràng hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện Trịnh Xuân Thanh không xác nhận những nội dung này".
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có chứng cứ ngoại phạm
Theo cáo trạng, đối với tội tham ô tài sản, ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc chủ trương, chỉ đạo và cùng các bị cáo khác tại PVC lập quỹ ban điều hành để chi tiêu đối ngoại. Bị cáo Thanh còn bị cho là yêu cầu các bị cáo khác rút tiền để bản thân ông chiếm hưởng 4 tỉ đồng tiêu Tết.
Luật sư Nguyễn Quốc Hùng - người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đối với tội tham ô tài sản - lập luận rằng các yếu tố cấu thành của tội tham ô phải thỏa mãn điều kiện đó là người có chức vụ quyền hạn (có trách nhiệm quản lý tài sản) và có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, điều lệ tại PVC cho thấy ông Trịnh Xuân Thanh không trực tiếp quản lý tiền.
Đồng thời, luật sư khẳng định các bị cáo Nguyễn Anh Minh (phó tổng giám đốc PVC) cùng các bị cáo khác có lập một quỹ đối ngoại, nhưng ông Thanh luôn khẳng định nghiêm cấm việc lập quỹ tại PVC.
Quá trình thẩm vấn 2 nhân chứng là thủ quỹ và nhân viên văn phòng của PVC cho thấy có việc nhận tiền để chuyển vào quỹ nhưng 2 nhân chứng này khẳng định ông Thanh không chỉ đạo lập quỹ.
"Do đó, lời khai của các bị cáo khác mang tính chất cáo buộc đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh cần phải xem xét lại", luật sư Hùng nói.
Luật sư cũng cho rằng cần đánh giá lại việc bị cáo Thanh tham ô 4 tỉ đồng: Trước đó, 2 lái xe (của các bị cáo Nguyễn Anh Minh và Trịnh Xuân Thanh) đều khai không nhớ gì. Nhưng đến đầu tháng 12/2017 thì bỗng nhiên nhớ lại tất cả và rất chi tiết về ngày 13/1/2012.
"Tuy nhiên, bằng chứng đã chứng minh ngày đó ông Thanh đi công tác tại TP.HCM, và thời gian ông Thanh nhận tiền như lời khai của các nhân chứng là thời gian ông Thanh đang trên đường ra sân bay. Đây chính là chứng cứ ngoại phạm của bị cáo Thanh", luật sư lập luận.
"Tại sao cơ quan điều tra không truy xuất các cuộc gọi của các lái xe với nhau và giữa lái xe của và bị cáo Thanh?"
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh còn suy đoán và cho rằng có thể chứng minh chính ông Nguyễn Anh Minh là người chỉ đạo rút tiền, lấy tiền và giao cho người khác đưa tiền trực tiếp cho mình.
Luật sư cũng chia sẻ rằng trong quá trình điều tra, bị cáo Thanh có tâm sự rằng không loại trừ khả năng bị cáo Minh đổ lỗi cho mình vì thời gian đó bị cáo Thanh đang bỏ trốn.
Do đó, luật sư đề nghị tòa xem xét cẩn trọng các cáo buộc của VKS, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội tham ô tài sản.