Cách ly Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng để xét hỏi
Theo luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội), trong thực tế, đúng là không phải vụ án nào HĐXX cũng thực hiện việc cách ly, mà phần lớn là các vụ án phức tạp, các bị cáo có phụ thuộc trong công việc trước đây hoặc là cấp trên, cấp dưới và quan trọng hơn là có ảnh hưởng đến nhau, do đó luật quy định việc cách ly là cần thiết.
Khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó.
Như vậy có thể thấy việc HĐXX quyết định cách ly các bị cáo là để đảm bảo lời khai của các bị cáo không tác động và ảnh hưởng lẫn nhau.
Các bị cáo tại tòa.
Việc các bị cáo đặt câu hỏi lại với nhau để mọi người tham gia và tiến hành tố tụng tại phiên tòa phân tích và đánh giá lời khai theo các góc độ khác nhau, cùng tiệm cận đến sự thật khách quan.
Việc cách ly còn tạo điều kiện thuận lợi về mặt tâm lý cho các bị cáo còn lại trong quá trình khai báo về các bị cáo bị cách ly. Việc được biết và được đặt câu hỏi gần như là việc đối chất gián tiếp trong quá trình xét hỏi của hội đồng xét xử, việc đặt câu hỏi của bị cáo bị cách ly cũng tạo điều kiện để bị cáo bị cách ly có cơ hội được chứng minh tính hợp lý hoặc hợp pháp của tình huống được khai khi bị cáo bị cách ly.
Trong phần thủ tục, một số luật sư đề nghị HĐXX cho các bị cáo được cách ly khi thẩm vấn; được tiếp cận luật sư trong thời gian HĐXX nghỉ làm việc; đề nghị tòa hướng dẫn thủ tục giao nộp chứng cứ ngay tại tòa; đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhân chứng là ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh Văn phòng PVN… Kết thúc phần thủ tục, chuyển qua phần xét hỏi. Sau khi cơ quan giữ quyền công tố tại tòa công bố xong bản cáo trạng dài 44 trang, HĐXX cách ly bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh để xét hỏi bị cáo Vũ Đức Thuận (SN 1971, nguyên TGĐ PVC).
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện Dự án NMNĐ Thái Bình 2, Vũ Đức Thuận (SN 1971, nguyên TGĐ PVC) là người ký Hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này sai mục đích, không đưa vào dự án, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng. Trước vành móng ngựa, ông Thuận khai việc ký Hợp đồng số 33 khi chưa đủ điều kiện là nhằm mục đích tạo công ăn việc làm cho PVC.
“Lúc đó bị cáo nghĩ cứ ký vào để tạo công ăn việc làm cho PVC, còn lại hoàn thiện hồ sơ sau”, bị cáo Thuận nói. Cũng theo lời ông ta, thời điểm đó, PVC gặp khó khăn về tài chính, cần có tiền để trả nợ ngân hàng, đầu tư một số khoản khác… “Có trực tiếp đầu tư vào dự án khoảng 200 tỷ chuyển cho các đơn vị thi công”, bị cáo Thuận trình bày đồng thời khai rằng việc góp vốn vào các đơn vị khác có được sự chỉ đạo trực tiếp của Trịnh Xuân Thanh.
Một số bị cáo thừa nhận có sai phạm
Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (SN 1953, nguyên PCT HĐQT PVC) khai không biết gì về việc PVC chi số tiền tạm ứng. Đến khi cơ quan điều tra hỏi, ông ta mới biết.“Trước đó bị cáo không biết mình sai”, ông Quý nói. Ngoài bị cáo Quý, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) cũng thừa nhận đến bây giờ mới nhận thức được bản thân mình sai.
Sau giải lao ít phút, HĐXX thẩm vấn bị cáo Trương Quốc Dũng – nguyên Phó TGĐ PVC- người biết chủ trương của Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận trong việc sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào của Dự án NMNĐ Thái Bình 2 vào mục đích khác, trong đó trực tiếp quyết định, ký thủ tục để sử dụng 40 tỷ đồng/tổng số tiền từ nguồn tạm ứng của Dự án không đúng mục đích.
Bị cáo này khai thời điểm đó bị cáo bị áp lực chỉ đạo, chưa nắm rõ được nội dung công việc. “Đến giờ bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai”. Và khi được HĐXX hỏi đến nay nhận thức của bị cáo thế nào, Dũng nói: “Vì nhiệt tình tuổi trẻ, công ty khó khăn, vì chỉ đạo chủ quan, bị cáo đã để xảy ra sự việc, bị cáo thực sự rất hối hận vì đã xảy ra sự việc đau lòng”.
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, HĐXX TAND TP Hà Nội còn thẩm vấn bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên TGĐ PVN). Bị cáo này bị cáo buộc biết rõ Hợp đồng EPC số 33 trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng số tiền hơn 6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC. Theo lời khai của bị cáo Sơn, ông ta mới về PVN nhận nhiệm vụ Phó Tổng Giám đốc từ năm 2011. Quá trình ký kết chuyển giao, ông ta không được tham dự, chỉ đạo, lập dự án cũng như chuyển đổi hợp đồng về tập đoàn.
Tiếp lời, bị cáo Sơn khai Dự án NMNĐ Thái Bình 2 thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ, cần phải tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền tạm ứng. Việc chỉ đạo chuyển tiền cho tổng thầu PVC là theo chức trách nhiệm vụ của ban quản lý đã được tập đoàn phân công theo quy chế của tập đoàn. Tại thời điểm đó, ông ta không nhận thức được Hợp đồng số 33 trên không đủ điều kiện để thực hiện.
Nghe vậy, HĐXX hỏi bị cáo Sơn thấy trách nhiệm của mình, Sơn đáp: “Bị cáo thấy mình có trách nhiệm trong việc quản lý tài chính của tập đoàn. Tập đoàn có quy chế quản lý giám sát rất rõ. Quá trình thực hiện bị cáo có Văn bản 4522 đề xuất thực hiện việc tạm ứng cho nhà thầu theo đúng mục đích, kiểm tra để tránh thất thoát, ảnh hưởng đến tài chính của dự án”.
“Vậy theo bị cáo nhận thức Hợp đồng số 33 và 4194 có vấn đề không?”, tòa tiếp tục hỏi. “Lúc bị cáo thực hiện chuyển tiền tạm ứng thì không thấy có vấn đề. Sau này làm việc với kiểm sát viên thì bị cáo được biết thì bị cáo mới biết nó có vi phạm nhất định”, Sơn đáp.
Hôm nay (9/1/2018), HĐXX tiếp tục phiên làm việc thứ 2. Dự kiến phiên xét xử diễn ra từ ngày 8/1 đến 21/1/2018.