Kiểu buôn bán của gian thương
Anh Trần Thanh Tùng (SN 1976, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), khẳng định: “Từ trước tới nay, các hàng quán trong sân bay luôn bán hàng mắc hơn bên ngoài, từ ly cà phê cho đến tô mì ăn liền hoặc ổ bánh mì. Nhưng việc bán 1 cái khẩu trang với giá 35.000 đồng, là không thể chấp nhận. Đó là kiểu làm ăn vô đạo đức, lợi dụng tâm lý hoang mang của những người khi vào sân bay – nơi chỉ có một bộ phận được độc quyền mua bán nhằm trục lợi. Sau khi mạng xã hội lên án thì lãnh đạo Công ty Taseco… tặng 10.000 cái khẩu trang chỉ là hành vi nhằm khỏa lấp việc làm vô đạo đức trước đó. Theo tôi cần lên án kiểu làm ăn không những của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco mà cần lên án cả những đơn vị có hành vi tương tự”.
Khẩu trang do Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco bán trong sân bay với giá 35.000 đồng/cái, gấp gần 20 lần ngoài tiệm thuốc tây khiến dư luận bất bình.
Đồng tình với quan điểm của anh Tùng là rất nhiều người khi được hỏi. Chị Nguyễn Thị Tố Nga (SN 1980, ngụ quận 5, TP Hồ Chí Minh), cho biết chị thường đi du lịch các nước bằng đường hàng không. Các dịch vụ trong sân bay tại Việt Nam rất đắt đỏ, nhưng không thể lợi dụng tâm lý có dịch bệnh, để từ đó bán 1 mặt hàng gấp gần 20 lần giá bình thường và gấp chục lần bên ngoài sân bay.
“Không ai chấp nhận kiểu làm ăn như Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco. Đó là kiểu buôn bán của gian thương, chứ không phải của nhà kinh doanh có đạo đức. Họ lợi dụng độc quyền trong sân bay để trục lợi một cách thái quá là không thể chấp nhận”, chị Nga bức xúc nói.
Còn anh Nguyễn Thanh Tùng (SN 1998, ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh), nói: “Việc các cửa hàng trong sân bay bán 1 cái khẩu trang giá 35.000 đồng đã diễn ra từ 2-3 năm nay rồi. Với giá này quá đắt vì ở ngoài tiệm thuốc tây chỉ bán 50.000 đồng/1 hộp (từ 25-30 cái khẩu trang), có nghĩa chưa tới 2.000 đồng/cái”.
Quốc tế phát miễn phí khẩu trang
Chị Nguyễn Thị Thanh (hiện định cư tại Úc, nhân viên 1 hãng hàng không), cho biết hiện tại Chính phủ Úc đã cấm tất cả các chuyến bay từ những thành phố đã phát hiện có virus corona ở Trung Quốc bay đến Úc. Tại Úc nếu có dịch bệnh hay thiên tai, tất cả bệnh nhân (kể cả người không có thẻ Medicare) đều được miễn phí khi nằm viện để bác sĩ theo dõi, điều trị. Do đó tại tất cả các sân bay của Úc đều phát khẩu trang miễn phí cho tất cả hành khách ra vào sân bay, không có chuyện bán khẩu trang để kiếm lời.
Theo một luật sư không nêu tên, hành vi lợi dụng thiên tai, địch họa, dịch bệnh…, để buôn bán trục lợi, từ lâu đã bị xã hội lên án. Vì vậy để chế tài, Nhà nước đã cụ thể hóa thông qua việc xử phạt bằng Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn” (sau đó có Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 109).
Tại điều 17 Nghị định 109, quy định về mức xử phạt đối với “Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”. Theo đó tại khoản 1 và khoản 2, quy định: “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”.
Theo kênh truyền hình CNA, tính đến thời điểm 9 giờ sáng 27/1 (tức Mùng 3 Tết Canh Tý 2020), trên thế giới đã phát hiện 2.811 ca nhiễm virus corona. Riêng Trung Quốc (nơi xuất phát virus corona) có 2.761 ca, chết 80 người. Các nước và vùng lãnh thổ cũng phát hiện một số ca nhiễm virus corona (chưa tử vong), như: Thái Lan (8 ca), Hồng Công (6 ca), Macau (5 ca), Úc – Nhật – Malaysia – Singapore (4 ca/quốc gia), Mỹ - Pháp – Hàn Quốc – Đài Loan (4 ca/quốc gia, vùng lãnh thổ), Việt Nam (2 ca), Nepal (1 ca).