Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm đến an toàn, thân thiện hàng đầu thế giới. Tháng 7/2018, tạp chí Hello (Anh) đã xếp Hà Nội đứng đầu danh sách 7 điểm đến tốt nhất châu Á dành cho "Tây balô".
Tuy nhiên, những vụ việc lừa đảo, “chặt chém” du khách quốc tế phần nào làm ảnh hưởng tới hình ảnh đẹp của du lịch Thủ đô. Nhóm phóng viên báo Kinh tế và Đô thị thâm nhập thực tế điều tra với loạt bài "Lật tẩy chiêu trò lừa đảo, chặt chém du khách nước ngoài" phản ánh tình trạng “chăn” khách nước ngoài; đồng thời, tìm những giải pháp căn cơ giúp làm sạch môi trường du lịch Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Trong Kỳ 1: "Biệt đội chăn Tây” và thủ đoạn cướp khách kiểu mới trên sân bay Nội Bài”, nhóm PV phản ánh về tình trạnh "cò" taxi, giả làm nhân viên khách sạn đón khách để lừa khách đi taxi chặt chém trên sân bay Nội Bài; tài xế xích lô ''chặt chém'' khách nước ngoài ở khu phố cổ.
Trong Kỳ 2, Kỹ nghệ chăn khách của "đội quân" hàng rong, phóng viên giáp mặt với gần 20 người bán hàng rong “chặt chém” trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm và khu phố cổ với đủ cách thức, chiêu trò dàn trận chăn khách nước ngoài.
Cơ hội kiếm tiền dễ dàng
Ngay sau khi Báo Kinh tế & Đô thị đăng tải bài viết "Biệt đội chăn Tây” và thủ đoạn cướp khách kiểu mới trên sân bay Nội Bài”, lái xe Nguyễn Văn Thắng (SN 1992, Nam Định) chủ động đến tòa soạn, thông qua PV, gặp xin lỗi khách Tây, trả lại toàn bộ số tiền 30 USD thu của khách.
Tài xế Nguyễn Văn Thắng kể lại quá trình tiếp cận chèo kéo khách Tây lên xe
|
Tài xế Thắng vốn làm nhân viên phụ xe Bắc Nam, gần đây quen biết một vài tài xế chuyên đưa đón khách từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội. Do biết lái xe nên lúc rảnh rỗi, Thắng giúp bạn bè lên sân bay đón khách kiếm thêm thu nhập. Đêm ngày 7/8, Thắng nhận đơn hàng đón khách sân bay. Sau khi đã đón được 2 khách người Pháp đưa lên xe 16 chỗ, toan nổ máy về, nhưng anh đảo một vòng vào trong sảnh sân bay.
Thắng kể: “Lúc ấy, đã hơn 23h đêm, khách Tây đứng một mình, xung quanh lại không còn công an... thấy thời cơ kiếm tiền thuận lợi tôi tiếp cận và đưa được khách lên xe. Tôi nghĩ, cùng chuyến xe, nếu bắt được thêm khách mình có thêm tiền xăng xe, trang trải cuộc sống khó khăn”.
Làm việc với PV về tình trạng “cò” taxi tại sân bay, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn cho biết, sân bay là địa bàn rất đặc biệt, đòi hỏi sự an toàn cao về an ninh trật tự. Tuy vậy, là địa bàn công cộng nên không thể tránh khỏi một số vụ việc ngoài ý muốn như “cò” bắt khách.
Nguyên nhân được ông Tuấn “mổ xẻ” là do sân bay Nội Bài được xây dựng sát khu dân cư, trong khi một bộ phận người dân gần sân bay thiếu công ăn việc làm, môi trường sân bay lại dễ kiếm tiền... Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các xe taxi Grap hoạt động, do đó, nhiều tài xế lợi dụng vào sân bay đón khách đặt Grap nhưng có cơ hội là chèo kéo khách.
Ông Trần Đức Vinh - Trưởng đồn Công an sân bay quốc tế Nội Bài: Trên sân bay Nội Bài có khoảng hơn 10 taxi dù người xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn – địa phương gần sân bay. |
Đối phó nạn “cò mồi”, Công an huyện Sóc Sơn đã có kế hoạch ngăn chặn, phòng ngừa tất cả các đối tượng liên quan đến “cò mồi”, xe dù hoạt động trên sân bay. Trong đó, phân loại đối tượng, có hồ sơ danh sách quản lý các đối tượng thường xuyên hoạt động. Thời gian tới, Công an sẽ cắm chốt ở hai lối vào nhà ga, nếu các “đối tượng trong danh sách” qua cửa lập tức bị phát hiện, đẩy đuổi, theo dõi xử lý kịp thời.
Ông Trần Đức Vinh - Trưởng đồn Công an sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, lực lượng công an liên tục có mặt trực tại sân bay, kịp thời phát hiện xử lý nhiều vụ việc “cò” chèo kéo khách.
Cụ thể, năm 2017, đơn vị này đã xử lý gần 200 trường hợp. 8 tháng đầu năm 2018, xử lý hơn 100 trường hợp. Trong đó, có những đối tượng vi phạm lặp lại nhiều lần như: Đinh Văn Toàn (trú tại Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội), từ đầu năm đến nay vi phạm 5 lần; Vũ Đức Thắng (trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy) vi phạm 3 lần; Nguyễn Bình Nam (trú tại Nam Đồng, Đống Đa) vi phạm 2 lần.
Khu vực hướng dẫn viên, tài xế đón khách quốc tế tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, cũng là nơi ''Biệt đội chăn Tây'' thường xuyên hoạt động.
|
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương nhấn mạnh: “Cảng vụ kiểm tra, giám sát, cơ quan an ninh và công an là đơn vị tham mưu giúp chính quyền địa phương và các cơ quan duy trì bảo đảm an ninh trật tự. Nếu các đơn vị làm tốt hết chức năng nhiệm vụ chắc chắn tình trạng “cò mồi” giảm thiểu”.Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc - bà Nguyễn Thị Thanh Phương cho rằng, các hành vi của có môi làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh sân bay, cần phải ngăn chặn và xử lý. Theo bà Phương, các thủ đoạn của “cò mồi” trên sân bay ngày càng mới và tinh vi, có đối tượng vào sân bay ngồi uống nước, thấy có khách “trong tầm ngắm” là chèo kéo đón khách.
Chị Thu, người bán bánh lấy 80.000 đồng 8 chiếc bánh rán đã trả lại 50.000 đồng tiền thừa cho phóng viên.
|
Thời gian qua, trước một số vụ việc “cò” hoạt động phức tạp, để tránh việc “cò” quen mặt với lực lượng công an trên sân bay, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã có văn bản kiến nghị công an TP tổ chức tổ nghiệp vụ làm việc độc lập tại sân bay. |
Là cơ quan kiểm tra giám sát, Cảng vụ hàng không miền Bắc chỉ rõ tình trạng như vậy và yêu cầu lực lượng an ninh, công an huyện Sóc Sơn có biện pháp hiệu quả để giải quyết.
Thời gian qua, trước một số vụ việc “cò” hoạt động phức tạp, để tránh việc “cò” quen mặt với lực lượng công an, Cảng vụ có văn bản kiến nghị công an TP tổ chức tổ nghiệp vụ làm việc độc lập tại sân bay.
Làm thời vụ, có cơ hội là chặt chém
Trở lại thông tin báo Kinh tế & Đô thị đăng tải trong bài “Kỹ nghệ chăn khách của "đội quân" hàng rong”, PV giáp mặt với gần 20 người bán hàng rong “chặt chém” trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm và khu phố cổ với đủ cách thức, chiêu trò dàn trận chăn khách nước ngoài. Đáng chú ý, có đối tượng bán cho khách chiếc quạt giấy với giá 120.000 đồng, sau đó chính đối tượng này dàn trận cùng các “đồng nghiệp “chèo kéo khách mua vỉ kẹo cao su giá 300.000 đồng; miếng dứa giá 200.000 đồng.
Ông Nguyễn Tài Nghĩa - Phó Trưởng Công an phường Hàng Trống cho biết, công an phường xử phạt hành chính bà Phạm Thị Phương ở khung cao nhất là 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh mức phạt hành chính, công an phường vận động, tuyên truyền, giao dục để những người bán hàng rong chặt chém như bà Phương hiểu và không tái phạm. |
Qua tư liệu điều tra PV cung cấp, Công an quận Hoàn Kiếm mời đối tượng Phạm Thị Phương 46 tuổi (huyện Gia Lộc, Hải Dương) đến trụ sở làm việc.
Vài năm qua, do công việc đồng ruộng không ăn thua, bà cùng với chồng lên Hà Nội thuê nhà, làm nghề bán hàng rong. Theo bà, khu vực phố cổ Hà Nội luôn đông đúc, nhộn nhịp, nhất là nhiều khách nước ngoài nên dễ kiếm tiền hơn việc đồng áng bấp bênh.
Theo bà Phương, những người bán hàng rong như bà thường “hét giá” với khách Tây. “Tôi tưởng người nước ngoài nên mới bán giá cao như vậy, nếu biết người Việt sẽ bán đúng giá”, bà Phương cho biết.
Gặp lại bà chủ quán bán dứa 200.000 đồng/miếng, bà phân bua với chúng tôi, bản thân bà không bán như vậy, tất cả do bà Phương tự ý lấy dứa bán, tự ý lấy tiền. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận, những người bán hàng rong như bà thường “hét giá” với khách Tây. Trong khi đó, người bán bánh rán quê Thái Bình "chặt chém" 80.000 đồng 8 chiếc bánh rán đã hối hận và trả lại phóng viên 50.000 tiền thừa. Chị trần tình: “Sao lúc mua, em không bảo gì? Thường thì chị chỉ lấy 5.000 đồng một bánh que và 2.000 đồng một bánh bi. Thỉnh thoảng mới lấy của khách Tây giá cao. Chị bán hàng ở các bệnh viện, cuối tuần mới về phố đi bộ bán. Xin lỗi em nhé!”.
Người bán bánh rán này cho biết, hành rong, xe ôm, taxi quanh phố cổ Hà Nội đa phần quê ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên. Lúc công việc đồng áng rảnh, họ lên đây bán để kiếm thêm, nên “có cơ hội kiếm được là kiếm”.
Trung tá Dương Bảo Thạch - Đội phó Đội Cảnh sát trật tự phản ứng nhanh, CA quận Hoàn Kiếm cho biết, công an quận đặc biệt quan tâm đến vấn nạn bán hàng rong chèo kéo khách du lịch.
Gần đây, hoạt động bán hàng rong “biến tướng” để lách luật. Đặc biệt, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng bán rong thường để hàng vào túi như đi du lịch, đến khi gặp khách nước ngoài mới mở túi ra chèo kéo khách mua hàng.
Thời gian tới, công an quận tiếp tục ngăn chặn, xử lý quyết liệt hơn nữa đối tượng hàng rong chèo kéo khách. Nếu khu vực nào để hàng rong “chặt chém”, chèo kéo khách, lực lượng công an khu vực đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo công an Quận.
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, các hành vì kèo kéo, bán hàng “chặt chém” ảnh hưởng xấu đến du lịch Thủ đô.
Lực lượng chức năng của Quận thường xuyên đuổi các đối tượng bán hàng rong; thời gian tới sẽ công khai các đối tượng chuyên bán hàng ép giá; có khuyến cáo đến khách du lịch không nên mua vật phẩm, bưu phẩm của các đối tượng hàng rong…
“Bên cạnh đó, trước đây TP chưa có nhiều cửa hàng tiện ích, khách muốn mua chai nước, cái khăn… có khi phải đi xa. Hiện nay và thời gian tới tại khu vực phố cổ Hà Nội sẽ có nhiều các cửa hàng tiện ích, khách du lịch tiện mua hàng hơn, từ đó giảm việc mua bán từ hàng rong”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.
Những vụ lừa đảo, "chặt chém" khách quốc tế diễn ra nhỏ lẻ, tính chất không phức tạp, nhưng lại tác động tiêu cực tới nỗ lực xây dựng hình ảnh điểm đến cũng như thương hiệu du lịch Thủ đô và Việt Nam. Phải chăng, vì tính chất nhỏ lẻ, không phức tạp ấy nên dường như các cơ quan chức năng chưa quan tâm, chưa xử lý mạnh tay, dứt điểm. Khó hiểu nhất là, cả công an quận Hoàn Kiếm, công an huyện Sóc Sơn lẫn cơ quan quản lý sân bay Nội Bài chã nhẽ bó tay, không tìm ra được phương án quản lý tối ưu, để triệt tiêu nạn chặt chém, lừa đảo du khách quốc tế!? Không biết đến bao giờ và bằng cách nào để những con sâu không còn “làm rầu nồi canh”? Bài 4 của loạt phóng sự này sẽ góp phần lý giải những khúc mắc nêu trên.
(Còn nữa…)