Ngày 15/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết đã điều tra, làm rõ vụ cưỡng đoạt tài sản. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Miện đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai đối tượng gồm Mai Văn Hiếu (SN 2004, ở xã Nhật Tân, Gia Lộc) và Nguyễn Văn Phượng (SN 2004, trú tại xã Thanh Tùng, Thanh Miện) về tội cưỡng đoạt tài sản.
Quá trình điều tra bước đầu xác định: Tháng 3/2021, hai em N.M.N. (SN 2007) và T.V.G. (SN 2005, cùng ở huyện Thanh Miện) có quan hệ tình cảm với nhau. Trong quá trình này, cả hai đã dùng điện thoại di động quay lại cảnh nhạy cảm. Khoảng đầu tháng 5/2021, em N.M.N. mang điện thoại đến nhờ đối tượng Phượng sửa hộ.
Hai đối tượng trong vụ án.
Trong quá trình sửa máy, Phượng phát hiện thấy có lưu cảnh nhạy cảm của các em N. và G. nên đã chuyển đoạn video này sang điện thoại của anh ta. Sau đó, đối tượng Phượng cho Hiếu cùng xem và cả hai thống nhất việc sử dụng đoạn video này để tống tiền các nạn nhân.
Khoảng 20 giờ 45 phút ngày 25/5, khi đối tượng Hiếu đang nhận 3,5 triệu đồng của em N. thì bị Công an huyện Thanh Miện bắt quả tang.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay các cặp đôi yêu nhau chụp hình ảnh, quay clip để kỷ niệm hay lưu giữ lại là chuyện bình thường nhưng những người dùng nó để tung lên mạng, đe dọa tống tiền là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.
Luật sư Chánh khuyên, khi không may những hình ảnh, clip nhạy cảm của mình bị lộ nạn nhân cần tỉnh táo, khéo léo để ứng phó. Bạn đừng nên ứng phó bằng cách tỏ ra bất cần, thách thức đối tượng. Làm như vậy đối tượng sẽ tức giận và phát tán các hình ảnh, clip nhạy cảm lên mạng thì với tốc độ lan tỏa chóng mặt khó có thể gỡ xuống hết.
Tốt nhất, bạn nên tỏ thái độ nhã nhặn, lịch sự, hợp tác để ‘câu giờ’ nhằm kiểm chứng lại thông tin. Trường hợp đối tượng có trong tay tài liệu thật, bạn nên vờ đồng ý yêu cầu của chúng để thu thập thông tin và trình báo với cơ quan công an. Việc trình báo và thu thập thông tin bạn cũng nên làm âm thầm để không có những việc đáng tiếc xảy ra.
Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, bổ sung năm 2017 quy định:
Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Có tính chất chuyên nghiệp; (c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; (d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; (đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; (b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: (a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; (b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.