Tham dự buổi lễ, đại biểu T.Ư có: Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường Trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ trao giải - Ảnh: Phạm Hùng. |
Báo chí địa phương có bước tiến đáng kể
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII năm 2017 được đánh giá là mùa giải thành công với số lượng đơn vị tham gia và số tác phẩm gửi về nhiều nhất từ trước đến nay: 118 đơn vị cấp Hội và 37 cá nhân tham dự với 1734 tác phẩm. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên tất cả 63 Hội nhà báo của tác tỉnh, TP đều gửi tác phẩm tham dự. Điều đó cho thấy sức lan tỏa và sức sống của Giải thưởng này đã tác động đến tất các tỉnh thành trên cả nước. Không chỉ vậy, uy tín của giải thưởng được khẳng định qua chất lượng các tác phẩm dự thi giải năm nay khá đồng đều, thể hiện bản lĩnh chính trị, lao động sáng tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng của tác giả, nhóm tác giả. Mùa giải năm nay cũng cho thấy rõ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giữa cơ quan báo chí T.Ư và báo chí địa phương ngày càng được thu hẹp. Rõ nhất ở báo hình và báo in.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết số tác phẩm đoạt giải của báo chí địa phương chiếm 50%. Tuy chưa có những tác phẩm thực sự gây tiếng vang lớn, nhưng đây là những tác phẩm tiêu biểu, tập trung phản ánh những vấn đề của đất nước trong năm.
“Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính phản biện, tính chiến đấu, tính nhân văn, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản. Thông qua tác phẩm, thấy được công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện đầy sáng tạo của các nhà báo. Nhiều công nghệ và phương thức làm báo hiện đại, tiên tiến được sử dụng có hiệu quả; vị thế, thương hiệu của Giải báo chí Quốc gia vì thế ngày càng được nâng cao”, nhà báo Thuận Hữu nhấn mạnh.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại lễ trao giải - Ảnh: Phạm Hùng. |
Báo chí là lực lượng nòng cốt đấu tranh với các luận điệu sai trái
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình biểu dương những nỗ lực phấn đấu của đội ngũ người làm báo cả nước, chúc mừng thành tích chung của những người làm báo và các nhà báo vinh dự được nhận Giải báo chí quốc gia năm nay.
Ghi nhận những thành tựu của báo chí đã đạt được trong năm qua, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá báo chí tiếp tục biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống; đấu tranh có hiệu quả, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong xã hội.
Thực hiện chức năng của báo chí cách mạng và nhiệm vụ chính trị được giao, báo chí cả nước đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện và sinh động mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và trên thế giới. Báo chí đã làm cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, chung sức, chung lòng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước.
105 tác giả, nhóm tác giả đã được trao giải chính thức tại Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017. Trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải Khuyến khích. |
Trong tình hình mới hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị đội ngũ những người làm báo cần chú trọng tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí, điều hành của Quốc hội, Chính phủ; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, mở rộng giao lưu và hợp tác với các nước.
Trao giải cho các tác phẩm đạt giải A, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017 - Ảnh: Phạm Hùng. |
“Báo chí cần phải là một trong những lực lượng nòng cốt kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác chống âm mưu ''diễn biến hoà bình'', phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước ta, các âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý những người làm báo cần nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kĩ thuật và công nghệ làm báo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Cùng với đó, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước đối với hoạt động báo chí. Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí.
Trao giải cho các tác phẩm đạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII - năm 2017 - Ảnh: Phạm Hùng. |
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cấp uỷ Đảng, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước, quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí và Hội Nhà báo hoạt động có hiệu quả.
Tác phẩm “Thảm họa kháng thuốc” gồm 4 bài: Bài 1: Mua kháng sinh dễ như mua rau; Bài 2: Khi thầy thuốc lạm dụng kháng sinh; Bài 3: Nỗi ám ảnh khôn cùng; Bài 4: Thanh tra, giám sát chặt chẽ. Loạt bài đã nêu lên thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em một cách bừa bãi do sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, sự chủ quan của thầy thuốc. Điều này dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam đứng đầu thế giới, thậm chí đã có những cái chết vô cùng đau lòng bởi biết bệnh mà không thể cứu. Từ đó, tác giả gửi thông điệp rằng nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và sự phát triển chung của xã hội. Thậm chí, trong tương lai, nhân loại có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm. |