Ảnh: Nguyễn Công Thành - Chí Quốc - Đồ họa: Như Khanh |
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở ngành liên quan để thống nhất về quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ làm cơ sở trình Bộ GTVT phê duyệt.
Dự án được đánh giá sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của 5 tỉnh thành gồm TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
“Chia lửa” với đường bộ, thủy
Gần 10 năm qua có nhiều đơn vị nghiên cứu tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Gần đây nhất là năm 2013, Viện khoa học và công nghệ Phương Nam đề xuất và lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định việc đầu tư tuyến đường sắt này nằm trong quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyến đường sắt sẽ chạy dọc theo quốc lộ 1 nơi đang hình thành hàng loạt đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp lớn như Bình Chánh, Bến Lức, Thạnh Đức, Tân An, Trung Lương...
Đồng thời, khu vực có tuyến đường sắt đi qua có diện tích 11.720km2 với dân số 14 triệu người. Do đó có thể vận dụng nhiều hình thức khai thác tổ chức các đoàn tàu.
Cụ thể là tàu khách nhanh chạy suốt tuyến TP.HCM - Cần Thơ; tàu khách ngoại ô liên vùng TP.HCM - Mỹ Tho và TP.HCM - Mỹ Thuận; tàu du lịch; tàu hàng. Tốc độ chạy tàu khách là 200km/h và tàu hàng là 150km/h.
Trước đó năm 2008, Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT - Viện chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt này là nhằm “chia lửa” vận chuyển với đường bộ, đường thủy để đảm đương khối lượng hàng hóa ra vào đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi theo tính toán số lượng hàng hóa vào giai đoạn 2020 về phân bón, ximăng, vật liệu xây dựng, than đá, sản phẩm lọc dầu... đạt 2,9 triệu tấn/năm; nhu cầu đi lại khoảng 31,8 triệu lượt hành khách/năm.
Sơ đồ toàn tuyến xe lửa TP.HCM - Cần Thơ - Đồ họa: N.KH. - Ảnh: H.KHOA |
2,8 tỉ hay 3,6 tỉ hay... 7 tỉ USD?
Tính toán của Trung tâm nghiên cứu phát triển GTVT năm 2008 cho thấy tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ cần 2,8 tỉ USD, chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng.
Trung tâm đề xuất giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đền bù giải phóng mặt bằng từ năm 2015 đến 2017 và bắt đầu xây dựng từ năm 2018 đến 2024, từ năm 2025 đi vào khai thác.
Thế nhưng quyết định của Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết đường sắt TP.HCM - Cần Thơ vào năm 2013 đã khái toán tổng mức đầu tư là 157.254 tỉ đồng (hơn 7,2 tỉ USD), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 48.743 tỉ.
Tổng chiều dài tuyến là 173,6km với 14 ga và 2 trạm khách. Điểm đầu là ga lập tàu hàng An Bình (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối là ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), đường sắt đôi, khổ 1,435m.
Dự kiến nguồn vốn đầu tư từ vay ODA, trái phiếu chính phủ, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân.
Cuối tháng 11-2013, Viện khoa học và công nghệ Phương Nam lại đưa ra con số ước tính 3,6 tỉ USD cho tuyến 134km.
Theo đó, tuyến đường được rút ngắn 39km với điểm đầu là ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh (thay vì ga An Bình, Bình Dương) và điểm cuối tuyến về Cần Thơ.
Đồng thời đề xuất giai đoạn 1 xây dựng hạ tầng đường sắt đôi, nhưng chỉ đặt ray theo tiêu chuẩn đường đơn và tổ chức chạy tàu theo tiêu chuẩn đường đơn. Đến giai đoạn 2 khi nhu cầu tăng trưởng mới xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường sắt khổ đôi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ đề nghị Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam và Viện khoa học và công nghệ Phương Nam trình bày cụ thể phương án thiết kế tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Từ đó sở phối hợp với sở GTVT các tỉnh về quy hoạch đường sắt và Sở TN-MT sẽ là cơ quan xem xét việc giữ đất cho tuyến đường sắt này. Để xác định hiệu quả của dự án, Sở GTVT sẽ tìm hiểu phương án đầu tư hoàn vốn và báo cáo trình TP xem xét.