Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tính chuyện sáp nhập đường sắt Hà Nội và Sài Gòn |
Tại tờ trình mới nhất gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị sáp nhập Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn để tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh ngành đường sắt đang bị hàng không và đường bộ cao tốc thu hút hết khách.
Sau cổ phần hóa là sa sút
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá, đường sắt đang đi từ hiện đại tới… lạc hậu. Số vốn đầu tư ít ỏi cùng với tư duy trì trệ qua hàng chục năm đã khiến ngành đường sắt rơi vào bi kịch. Trong vài năm qua, vận tải đường sắt cũng đã bắt đầu thay đổi tư duy, chuyển mình, tuy nhiên, với số vốn đầu tư ít ỏi từ ngân sách hàng năm, ngành này vẫn đang vùng vẫy để thoát ra khỏi vũng lầy.
Từ ngày 1-1-2015, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội và Sài Gòn bắt đầu hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do VNR nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ ngày 1-1-2016, hai công ty này bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tổng số lao động lên tới 7.600 người.
Đáng nói, kể từ khi cổ phần hóa đến nay, 2 công ty này không có bước tiến triển mà tiếp tục đà thụt lùi. Điều này được ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR nhìn nhận. Cụ thể, sau 1 năm tái cơ cấu, cổ phần hóa, 2 công ty con chủ lực của ngành đường sắt ở hai đầu Bắc-Nam bị sụt giảm nghiêm trọng cả về sản lượng, doanh thu, thị phần vận tải. Hệ quả, tiền lương, thu nhập đời sống của người lao động cũng đi xuống.
Ngoài nguyên nhân chủ quan, theo lãnh đạo VNR, sự sa sút của đường sắt còn đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của hàng không và đường bộ. Trong khi hàng không và đường bộ giai đoạn 2010-2015 được quan tâm đầu tư với số vốn cực lớn thì đường sắt vẫn duy trì kết cấu hạ tầng lạc hậu, công nghệ cũ kỹ, năng suất lao động thấp, chất lượng không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hành khách.
Hơn nữa, 2 công ty này cùng cung cấp một loại sản phẩm trên thị trường, vì vậy không tránh khỏi cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho nhau, làm suy giảm nguồn lực chung và giảm khả năng cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, dẫn đến kìm hãm sự phát triển và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh chung của ngành đường sắt.
“Công tác quản lý, điều hành, vận dụng toa xe hàng, khách giữa 2 công ty khó khăn, phức tạp, kém hiệu quả, hiệu suất sử dụng phương tiện thấp dẫn đến lãng phí tài nguyên chung trong việc sử dụng toa xe, làm tăng giá thành vận tải và chất lượng dịch vụ, giảm đáng kể năng lực cạnh vận tải đường sắt”, Chủ tịch VNR nhìn nhận.
Dôi dư 40% lao động
Theo VNR, tham khảo mô hình tổ chức kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty trong nước và đặc biệt là đường sắt một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Ý, Indonesia, Malaysia... cho thấy, các doanh nghiệp vận tải trong nước hầu hết chỉ kinh doanh một sản phẩm là vận tải hành khách hoặc vận tải hàng hóa. Hiện nay, đường sắt các nước Nhật Bản, Nga, Đức, Pháp, Ý... tách bạch giữa kinh doanh vận tải hàng hóa và vận tải hành khách.
Việc sáp nhập 2 Công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn sẽ hạn chế tối đa xáo trộn về tổ chức, đặc biệt giảm thiểu việc điều chuyển lao động từ địa bàn này sang địa bàn khác; đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt; thu hút cổ đông chiến lược tham gia kinh doanh vận tải đường sắt… Trên nguyên tắc này, VNR đề xuất phương án tái cơ cấu 2 doanh nghiệp này theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành trong năm 2017), sẽ hợp nhất 2 Công ty CP Vận tải Sài Gòn và Hà Nội thành Công ty CP Vận tải đường sắt có chức năng tổ chức kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và các dịch vụ gia tăng trong vận tải hành khách trong nước và liên vận quốc tế; sở hữu toàn bộ toa xe khách, toa xe hàng, các phương tiện thiết bị khác nhằm phục vụ hành khách, cứu viện và sửa chữa phương tiện vận tải…
Doanh nghiệp hợp nhất này sẽ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vận tải hành khách; đồng thời, sẽ thành lập một Công ty CP Vận tải hàng hóa (bước đầu là Công ty TNHH MTV do Công ty CP vận tải đường sắt nắm giữ 100% vốn, được giao quản lý và khai thác toàn bộ toa xe hàng, trang thiết bị và phương tiện phục vụ vận tải hàng hóa và cứu viện đường sắt; quản lý tất cả các trạm khám chữa toa xe).
Giai đoạn 2 (dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2019-2020), sau khi ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, hiệu quả, ngành đường sắt sẽ cổ phần hóa Công ty TNHH MTV kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt theo hình thức Công ty CP Nhà nước không chi phối. Theo lãnh đạo VNR, sau khi sáp nhập, sẽ dôi dư ra khoảng 40% lao động của cả 2 công ty để chuyển qua làm các dịch vụ gia tăng như vận chuyển đường ngắn.