Trong số đó có những bài viết chỉ ra những bất cập do xã hội ta thiếu công cụ giám sát, dẫn đến nhiều kẻ núp bóng từ thiện trục lợi. Nhưng bên cạnh đó, có rất nhiều bài viết khá ác ý khi cho rằng việc từ thiện đang “làm hỏng cả xã hội”, phủ nhận luôn các dự án có ích cho cộng đồng. Những bài viết “ngược dòng” đó nhận được rất nhiều lượt like và share.
Những lượt share đó đã lan tỏa đi những thông điệp của một tư tưởng cực đoan: Khi các thiết chế giám sát xã hội còn lỏng lẻo thì tốt nhất đừng làm từ thiện! Tôi xin chia sẻ góc nhìn và kinh nghiệm của mình.
1. Nhiều người phản đối từ thiện vì “làm hỏng xã hội”
Điều này cũng bình thường vì mỗi người có những trải nghiệm khác nhau. Người có trải nghiệm xấu luôn có sự hoài nghi, hằn học. Người có trải nghiệm tốt sẽ đầy lòng biết ơn và san sẻ. Những người lên án từ thiện có thể do họ chưa gặp được những người đủ tin cậy và chưa có đủ thông tin. Cuộc sống có cả những mảng tốt và xấu. Bạn lựa chọn đứng ở góc nào trong cuộc sống đó? Trao đi một điều tốt, tâm sáng là chưa đủ. Bạn cần phải có niềm tin đủ lớn vào những điều tốt đẹp.
2. Từ thiện ở Việt Nam có bị biến tướng không?
Có, thậm chí rất nhiều người lợi dụng từ thiện để trục lợi. Báo Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh việc những kẻ rình mò các bài báo, các bài đăng trên Facebook rồi đến các địa chỉ để “cò mồi” mà thực chất là chiếm đoạt tiền từ thiện. Khi nhà hảo tâm đến, họ đóng giả người nhà hoặc bắt người nhà làm theo hướng dẫn của họ. Hoặc họ copy, post lên Facebook của họ và đăng tài khoản của họ. Lừa đảo núp bóng từ thiện rất thiên hình vạn trạng. Vì vậy, tâm sáng là chưa đủ, bạn cần phải cẩn trọng nữa.
3. Vậy có nên từ chối việc thiện?
Lựa chọn này là tùy bạn. Nhưng khi bạn hiểu được ý nghĩa của sự san sẻ, nó cũng như bạn cần mẫn gieo hạt, một ngày nào đó bạn sẽ thấy một cánh rừng. Bên cạnh đó, một thực tế là hệ thống an sinh xã hội của chúng ta chưa thể cưu mang hết các phận đời nghèo khó. Trong khi chờ đợi hệ thống đó được hoàn thiện, sẽ rất nhiều người mất đi cơ hội vươn lên nếu không được chúng ta giúp đỡ.
Có thể lòng bạn sẽ băn khoăn rất nhiều về những thông tin nhiễu nên lựa chọn dễ nhất là “thôi bỏ đi, giờ không tin ai được”. Hoặc bạn sẽ trao đi một tí xíu để lòng bạn được yên với suy nghĩ: “Thôi thì cứ làm một chút cho lòng được yên, ai phải tội người đó chịu”. Cả hai cách lựa chọn này đều ít nhiều tiêu cực. Nếu đủ tỉnh táo để chọn lọc, xác minh thông tin thì bạn không chỉ giúp người cần giúp mà còn góp phần lành mạnh hóa việc làm từ thiện. Vì vậy, tâm sáng là chưa đủ, bạn cần có cả sự tỉnh táo nữa.
4. Bạn nên cho đi thế nào?
Nếu bạn quyết định gửi tiền cho người khác, bạn hãy có trách nhiệm lớn lao với đồng tiền của mình. Đừng thấy ai share cái gì trên Facebook là vội vàng gửi tiền. Hãy chọn người thật sự đáng tin và bạn có quyền đòi hỏi sự giám sát.
Bạn cũng nên thay đổi cách suy nghĩ về cách cho đi. Với những người gặp thiên tai, lũ lụt, trọng bệnh thì họ cần trước hết là lương thực, thuốc men. Nhưng những hoàn cảnh khó khăn khác, cách giúp đỡ nên hướng về lâu dài: Chăm sóc y tế, giúp trẻ em được đến trường và giúp người trong độ tuổi lao động một sinh kế để vươn lên.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, tìm cách thức giúp phù hợp thay vì trao đi một khoản tiền sẽ làm bạn mất nhiều thời gian, gánh thêm những trách nhiệm có thể làm bạn mệt mỏi. Nhưng cũng vì vậy bạn biết rõ tâm sáng là không đủ, bạn cần có trách nhiệm và lòng kiên nhẫn nữa.
Cuộc sống này rất xứng đáng để trao đi sự san sẻ, bạn ạ! Đừng vô cảm với cuộc đời chỉ vì những người mất niềm tin.