Ngày 31/8, Cơ quan CSĐT Công an quận 11 (TP Hồ Chí Minh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng Trần Văn Sơn (SN 1979, ngụ phường 4, quận Tân Bình) và Trần Hồng Thái (SN 1983, quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) để tiếp tục điều tra hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.
2 đối tượng giả danh Cảnh sát Hình sự Bộ Công an, bị bắt vào tối 28/8 tại phường 7, quận 11 (TP Hồ Chí Minh
Trước đó, như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, khoảng 22 giờ tối 28/8, bà Lim Thị H (SN 1966, ngụ đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11) đang ở trong nhà, bất ngờ 1 chiếc xe ô tô biển số xanh 80B-2547 dừng trước cửa. Lúc này từ trên xe, 2 đối tượng Sơn và Thái trong quân phục sĩ quan công an bước xuống đi vào nhà bà H. Sơn đeo quân hàm thiếu tá, chìa thẻ ngành công an mang tên Trần Quyết Thắng, còn Thái đeo quân hàm thiếu úy (không đeo bảng tên). Cả 2 tự xưng đang công tác tại Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an.
Sau đó, 2 “công an” Sơn và Thái đọc lệnh bắt người, khám xét nhà…, nhưng không có sự chứng kiến của đại diện Công an phường và Tổ dân phố nên người nhà bà H., sinh nghi gọi điện báo Công an phường 7, quận 11 xuống hiện trường kiểm tra và phát hiện đây là 2 công an “dỏm”.
Vậy làm thế nào để nhận biết việc bắt người tại nơi cư ngụ của họ khi nào là đúng quy định, và khi nào trái pháp luật? Luật sư Trần Thị Ánh - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc bắt người, tạm giữ, tạm giam…, là một trong nhiều biện pháp ngăn chặn được quy định tại điều 109 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) 2015.
Đối với việc bắt người nào đó tại nơi cư ngụ của họ, tại khoản 2 điều 113 Bộ luật TTHS về việc “Bắt bị can, bị cáo để tạm giam”, quy định: Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy định tại khoản 2 điều 132 của Bộ luật này. Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người. Đặc biệt, tại khoản 3 của điều này còn quy định không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Luật sư Trần Thị Ánh - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, tại điều 111 của Bộ luật TTHS 2015, còn quy định việc bắt người phạm tội quả tang.
Theo đó, khoản 1 của điều này quy định: Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Và khi bắt người phạm tội quả tang, thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Vậy đối với việc bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp, pháp luật quy định ra sao? Luật sư Trần Thị Ánh, nói: “Tại điều 116 của Bộ luật TTHS 2015 quy định sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết;
Trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt. Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay”.