Vườn phật thủ của ông Phạm Cao Thanh. |
Mày mò tìm hiểu trồng cây phật thủ trong vườn nhà, ông Phạm Cao Thanh (59 tuổi) đã thành công và mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ở xã Lộc Nam (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng), ông Thanh là người duy nhất trồng loại cây lạ này và bước đầu hái ra tiền. Sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, năm 1992, ông cùng vợ và 2 con trai vào vùng đất Lộc Nam sinh sống. Ban đầu gia đình ông trồng dâu, nuôi tằm và nấu rượu, nuôi heo. Một năm sau, khi ấy vùng đất này vẫn còn hoang vu, vợ chồng ông tích cóp, vay mượn mua 4 ha đất trồng thêm cà phê, dâu, chè và sau này trồng xen thêm sầu riêng. Nhờ chăm chỉ, gia đình ông có thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.
Dù vậy, ông Thanh vẫn luôn nuôi ý định tìm thêm cây gì khác trồng để đa dạng hóa vườn cây. “Năm 2010, có người quen ở Hà Nội vào chơi và mang đến cho tôi một cây giống rồi giới thiệu là cây phật thủ, bảo trồng thử xem sao. Nhìn thấy cây giống cây cam, cây bưởi nhưng nói là phật thủ cũng thấy lạ nên tôi mang ra vườn trồng. Cây phát triển rất tốt, được 2 năm thì ra quả nhưng quả rất nhỏ và do không biết làm gì nên tôi cứ để vậy. Đầu năm 2013, tình cờ xem ti vi thấy nói đến cây phật thủ này ở ngoài bắc quả rất to, 2 - 3 tầng tay, xòe đẹp chứ không phải cụp và nhỏ xíu như quả của cây mình trồng, ông Thanh kể.
Trằn trọc suy nghĩ, ông Thanh nhận ra là do giống cây chứ không phải thứ gì khác và ông quyết tâm tìm trồng cho bằng được. Thế rồi ông ra Hà Nội và các tỉnh phía bắc tìm mua giống cây. Mất hơn 1,5 tháng rong ruổi khắp các tỉnh ngoài bắc, ông vẫn không tìm ra cây giống nào. Buồn, ông trở về thăm quê Thái Bình, mang câu chuyện của mình ra kể thì bất ngờ có người quen nhận đi mua giúp cây giống này. Ở lại vài hôm, người quen này đã mua giúp cho ông được 30 cây giống. Mừng như “cá gặp nước”, ông Thanh mang cây về Lộc Nam trồng trong vườn nhà.
“Trời không phụ lòng người”, cây ông trồng phát triển rất tốt, chưa tới 2 năm đã cho quả và đặc biệt là quả rất to, đẹp. Tuy nhiên, ban đầu sợ cây yếu nên ông Thanh chỉ để mỗi cây 3 - 5 quả làm cảnh và tặng bạn bè, anh em, bà con trong xóm chưng tết.
“Sang mùa thứ 2 thì cây cho quả trĩu cành, bà con, hàng xóm kéo đến vườn nhà tôi để tận mắt ngắm nhìn loại quả có “bàn tay Phật”. Nhiều người thắc mắc tại sao thân và lá giống cây bưởi nhưng sao quả lại lạ thế? Tôi giải thích và nói với họ đây là điều đặc biệt nên cây mới có tên là phật thủ vậy đó”, ông Thanh nói.
“Vườn cây cho cả ngàn quả, ban đầu tôi sợ không bán hết, ai ngờ mới mang ra chợ Bảo Lộc (TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) và gửi một ít xuống TP.HCM thì hút hàng ào ào. Không chỉ vậy, nhiều người còn tìm đến nhà tôi mua quả, thậm chí có thương lái đặt mua cả 1.000 quả nhưng tôi lắc đầu bởi lấy đâu ra cho đủ để cung cấp. Bán lẻ vậy chứ giá cả tốt lắm, bình quân một quả có giá từ 100.000 - 300.000 đồng, nhiều quả lớn, đẹp bán được 500.000 đồng/quả. Không chỉ vậy, tôi còn nghiên cứu nhân giống trồng thêm được 2 sào (200 cây) và nay đã bắt đầu ra quả. Đồng thời tôi cũng bán cả ngàn cây giống cho bà con khắp nơi với giá từ 70.000 - 100.000 đồng/cây. Tính ra chỉ riêng vườn cây phật thủ thôi đã cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm rồi, khỏe ru...”, ông Thanh vui vẻ trò chuyện.
Ông Phạm Cao Thanh chia sẻ: “Loài cây này cũng dễ tính nên dễ trồng, chỉ cần chú ý tạo tỉa cành, bón phân cân đối, theo dõi đề phòng sâu chích hút và tưới nước vừa để đủ độ ẩm cho cây là được. Phật thủ ra quả quanh năm, nhưng nếu tập trung cho trúng dịp tết thì phải canh để ngắt bỏ bông, đến tháng 6 - 7 âm lịch cây ra hoa thì tháng 12 thu hoạch được. Nhận thấy nhu cầu thị trường đang tăng cao, ông Thanh liền phát triển thêm mô hình trồng phật thủ theo hướng bon sai, cây kiểng.
Anh thanh niên huyện miền núi tỉnh Bình Định giàu lên nhờ nuôi chim trĩ
(Tieudung24h.vn) - Hơn 2 năm nuôi chim trĩ, Tô Vũ Thành Tín đã xuất chuồng hơn 10.000 con chim với nhiều đợt lớn nhỏ đem về trên 2 tỷ đồng. |