Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là hiện tượng mồ côi tâm linh. Niềm tin lệch lạc giúp nhiều ngôi chùa, nhiều ban quản lý di tích giàu lên nhờ kinh doanh tín ngưỡng.
Buôn thần bán thánh
Nhiều năm trước, những lễ đầu năm của chùa Trung Kính Hạ (Hà Nội) đơn giản tổ chức lễ cầu an, các sư cùng nhiều phật tử tụng kinh, niệm phật.
Thế nhưng, 4 - 5 năm trở lại đây, chùa Trung Kính Hạ phát triển mạnh các buổi lễ dâng sao giải hạn. Các năm trước, giá dâng sao tại đây chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/gia đình/sao xấu. Năm 2018, giá dâng mỗi sao lên 300.000 đồng/sao xấu. Đến năm 2019, mức giá được đẩy cao lên 500.000 đồng/sao. Có những gia đình không có sao xấu cũng được nhà sư tư vấn làm chung một sớ dâng sao 500.000 đồng/gia đình. Gia đình có 3 người sao xấu, cộng với dâng sớ dâng chung mất khoảng 2 triệu đồng. Tính đến ngày mùng 10 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, số hộ đến đăng ký dâng sao trong sổ nhà chùa đã lên đến hơn 1.000 gia đình.
|
Người dân đi lễ đầu năm tại Phủ Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng |
PGS.TS Chu Văn Tấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo cho rằng: “Nhu cầu dâng sao giải hạn của người dân rất lớn, năm sau cao hơn năm trước. Trong một khảo sát của Viện Nghiên cứu tôn giáo vào năm 2017, hầu hết những người được hỏi đều trả lời có nhu cầu, từng làm dâng sao giải hạn. Tôi cho rằng từ một nhu cầu chính đáng đã đẩy thành mê tín, mê muội và kinh doanh buôn thần, bán thánh”.
Sự mê muội thể hiện rõ ở việc dòng người xếp hàng dài vái vọng dâng sao ở đình Phúc Khánh. Từ chùa lớn như Quán Sứ, Một Cột đến các chùa làng cũng không ngừng phát triển dịch vụ dâng sao.
Bên cạnh việc dâng sao giải hạn, những năm gần đây, lễ hội có xu hướng bùng nổ về cả quy mô và số lượng; số người dự hội ngày càng đông. Sự thuần khiết của lễ hội với những hoạt động tín ngưỡng, vui chơi lành mạnh ngày càng mai một vì đa phần các lễ hội đã nhuốm màu sắc trục lợi.
|
Người dân đứng ngồi la liệt dự lễ dâng sao giải hạn trước cửa chùa Phúc Khánh tối 12/2. Ảnh: Lại Tấn |
Người đi dự lễ hội thiếu kiến thức, đi với tâm lý đám đông, trong tâm trí chỉ cầu mong đạt được hai chữ “danh, lợi” thì tránh sao khỏi rơi vào sự cuồng tín. Thêm nữa, nhiều địa phương đua nhau đẩy lễ hội lên quy mô lớn để kinh doanh tín ngưỡng từ tiền công đức và các dịch vụ phục vụ người dân đi lễ hội.
Có thờ mà không thiêng
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cúng sao giải hạn chỉ thuộc về yếu tố tâm lý “có thờ có thiêng có kiêng có lành”. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại, nhiều khi thờ vẫn không thiêng mà kiêng vẫn không lành. Việc gia tăng mê tín dị đoan gần đây cho thấy dấu hiệu của một xã hội bất thường trong sự phát triển, đảo lộn trong các bậc thang quan niệm về giá trị hạnh phúc. Điều đáng buồn nhất là việc có những người lợi dụng việc này để tổ chức “buôn thần bán thánh”, trục lợi, cầu danh.
Bày tỏ quan điểm về việc người dân thi nhau đến chùa cúng sao giải hạn đầu năm, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, trong kinh Phật, Đức Phật dạy rằng bất kỳ ai làm nghề cúng sao, bói toán, đoán hưng suy, vận hạn... đều thuộc về nghề phi pháp theo đạo đức Phật giáo. Kinh Phật cũng không có thần sao chiếu mệnh, không có vận hạn tốt xấu.
Năm 2018, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị tăng ni trên toàn quốc kêu gọi phật tử không đốt giấy vàng mã, vì gây lãng phí, ô nhiễm. Việc này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hiện tượng đốt vàng mã giảm đi rất nhiều. Chính vì vậy, nhiều người mong rằng Giáo hội cùng các vị chức sắc trong tôn giáo tiếp tục có tiếng nói cảnh tỉnh nghiêm cấm việc dâng sao ở các chùa, tuyên truyền về ngày giá trị của đi lễ cùng những ngày mang màu sắc tâm linh như vía của ngày Thần Tài.