Theo quan niệm dân gian, mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm là ngày vía Thần Tài. Vào ngày này, mọi người thường đi mua vàng vì cho rằng như vậy sẽ gặp được may mắn và tài lộc trong cả năm.
Chia sẻ với VietNamNet, Nhà dân tộc học Tạ Đức cho biết, xuất phát từ tích xưa, trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài không may bị rơi xuống trần gian, đầu va vào đá mất trí nhớ.
Quần áo lại bị kẻ gian lấy đi mất, Thần Tài lang thang xin ăn, đến nhà kinh doanh vịt, gà, heo quay rất ế ẩm, thấy người lang thang, chủ quán mang đồ ra mời.
Thần Tài thích món này và ăn rất nhiều, chẳng ngờ từ lúc Thần Tài vào quán, khách đến nườm nượp. Chủ quán thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài đến ăn.
Được một thời gian, chủ quan thấy Thần Tài chẳng làm gì mà chỉ ăn, thân thể không tắm rửa bao giờ nên lo khách thấy sẽ sợ, chủ quán liền đuổi khéo đi. Từ hôm đó quán lại vắng vẻ, ế ẩm như cũ.
Thần Tài được người dân quanh đó dẫn đi mua quần áo, đến cửa hàng, thần tài nhìn thấy bộ quần áo mà kẻ gian bán đi của ông, liền nhớ lại mọi chuyện và vội mặc quần áo bay về trời. Hôm đó đúng ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.
Vào ngày vía Thần Tài hàng năm, người dân chen chân đi mua vàng để cầu may. |
Dưới góc độ nghiên cứu, nhà dân tộc học Tạ Đức cho biết: “Đây là một tín ngưỡng thờ cúng thần của dân tộc Việt từ xa xưa, trong đó có phần chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.
Mà đã là tín ngưỡng, là văn hóa thì đều tốt đẹp cả. Tuy nhiên, do tính chất thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng nên ngày nay, nhiều phong tục, tín ngưỡng đang bị biến tướng thái quá".
Chuyên gia Tạ Đức cũng cho biết thêm: "Nếu xét ở góc độ tín ngưỡng thì ngày xưa, thờ Thần Tài chỉ cần có con gà quay, thịt heo quay, hoa quả… Tức là những đồ lễ vật hết sức đơn giản, gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân.
Chứ không bắt buộc hay có lệ là phải mua vàng trong ngày "vía Thần Tài" mùng 10 tháng Giêng, thì mới được may mắn, tài lộc trong cả năm. Xét cho cùng, đây cũng chỉ là một quan niệm lưu truyền trong dân gian.
Chúng ta không phán xét việc này đúng hay sai, nhưng tôi nghĩ đây là một dạng tâm lý đám đông. Nhiều người mặc dù không hiểu rõ nguồn gốc phong tục này thế nào nhưng thấy người khác làm là mình làm theo. Khi số đông họ đã tin thì tất nhiên ai cũng cho là đúng.
Ở đây tôi nhấn mạnh ở mức độ và cách thể hiện. Chúng ta tôn trọng tín ngưỡng nhưng đừng thái quá. Nên tùy thuộc vào hoàn cảnh, cuộc sống mà mình ứng xử, hành động tín ngưỡng tâm linh cho phù hợp.
Ví dụ, ngày vía Thần Tài, ai có điều kiện dư dả thì mua vàng cũng được. Đó cũng như một khoản tích cóp cho gia đình phòng khi cần đến. Nhưng ai không có điều kiện thì không mua cũng chẳng sao.
Họ có thể cúng Thần Tài, cầu xin tài lộc cho cả năm theo phong tục dân gian với lịch trình cụ thể là mùng 2 tháng Giêng làm lễ đón Hỷ thần (thần may mắn, hạnh phúc), mùng 3 đón Tài thần (thần tài lộc), mùng 4 là đón tiếp các vị thần khác từ thiên đình về hạ giới, mùng 5 là ngày phá trừ, dỡ bỏ đồ cúng. Riêng với các cửa hàng kinh doanh thì cúng thần tài hàng ngày…
Chứ đừng theo phong trào số đông, một số người vì muốn mua vàng đúng ngày này lại đi vay mượn để mua. Như vậy, vô hình chung tín ngưỡng thờ cúng thần tài lại bị biến tướng, thái qúa”, Nhà dân tộc học Tạ Đức nói.