Theo nội dung công điện khẩn về việc ứng phó với cơn bão số 9 đang tiến vào khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nhằm đảm bảo an toàn, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ động cho học sinh nghỉ học từ chiều nay (23/11) đến hết Chủ nhật (25/11) để tránh bão số 9.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở GD&ĐT thường xuyên theo dõi diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới mưa lũ để chỉ đạo các trường học có biện pháp gia cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học.
Mưa lớn làm nhiều cơ sở trường học bị ngập nặng.
Nhằm ứng phó với cơn bão số 9, cầu gỗ Phú Kiểng, xã Vĩnh Ngọc (TP Nha Trang) dài 400m bắc qua sông Cái Nha Trang đã được tháo dỡ nhằm tránh tình trạng bị nước lũ cuốn trôi, hư hỏng. Sau khi bão qua, xã bố trí đò hoặc xe buýt để đưa học sinh ở phía bắc sông sang trung tâm xã đi học an toàn.
Khoảng 100 học sinh ở phía bắc sông Cái đang học tập tại trường THCS Cao Thắng (xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang) - tọa lạc ở phía nam sông tạm thời không có cầu để đi đến trường. Nếu đi đường vòng qua trung tâm thành phố là quãng đường 10km trong khi nhà các học sinh này chỉ cách trường 1 con sông.
Trước đó, hôm 18/11, mưa lũ kèm sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng khiến 20 người ở TP Nha Trang thiệt mạng, trong đó có 4 học sinh. Nhiều trường học ở vùng ven TP Nha Trang như xã Vĩnh Phương, Vĩnh Thạnh, Phước Đồng... bị nước lũ bao vây, làm hư hỏng nhiều bàn ghế học sinh, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, năm học 2018-2019, tỉnh Khánh Hòa có hơn 275.000 học sinh, từ cấp nhà trẻ đến THPT. Cụ thể: nhà trẻ hơn 11.900 trẻ; mẫu giáo hơn 51.700 học sinh; tiểu học hơn 101.800 học sinh/3.408 lớp; THCS hơn 76.500 học sinh/2.223 lớp và THPT: 36.750 học sinh/951 lớp, trong đó công lập 33.840 học sinh/865 lớp.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm nay (23/11), các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.
Cơn bão gây mưa to ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên (300-500mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt) gây ra đợt lũ ở mức báo động 1 đến trên mức báo động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
Đến sáng mai, 24/11, tâm bão ở cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 150km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 300km, cách đảo Phú Quý khoảng 80km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bánh kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km tính từ tâm bão.
Bão gây mưa ở vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sau đó di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8.
Dự báo đến sáng 25/11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.