Theo Trung Tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, ATNĐ đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm 2018. Hồi 14 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo hướng đi của bão số 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Đến 13 giờ ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ-Nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Để ứng phó với cơn bão số 9, sáng nay (22/11), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến của BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai với 14 tỉnh, TP từ Quảng Nam - TP Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị ứng phó bão.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ ngành liên quan, Ủy Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp, Y tế… không chủ quan và phải chủ động đề ra, rà soát các biện pháp ứng phó cơn bão.
Phó Thủ tướng khẳng định, đầu tiên phải an toàn cho người dân; phải yêu cầu toàn bộ tàu thuyền trên biển phải về nơi trú tránh an toàn.
Bộ đội Biên phòng, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với các địa phương, không chủ quan. Tàu thuyền đã vào nơi trú phải được neo đậu an toàn, kiên quyết không để xảy ra nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến tính mạng của bà con ngư dân. Khách du lịch tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão cũng phải được thông báo tình hình. Chính quyền địa phương phải hết sức lưu ý, đảm bảo an toàn cho du khách.
Với nguy cơ sạt lở, khả năng triều cường lên khi mưa lớn… các vùng nguy hiểm đã có kế hoạch sơ tán dân thì phải theo dõi sát sao tình hình cụ thể, đảm bảo không để xảy ra tổn thương cho người dân.
“Bảo vệ an toàn các công trình hồ đập, các công trình hạ tầng, nhà ở của người dân. Phương châm 4 tại chỗ, chúng ta phải chủ động từ cơ sở, chuẩn bị sẵn lực lượng tại chỗ, chủ động về phương tiện, thiết bị... Lãnh đạo, Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt. Đảm bảo an toàn cho người dân trên đất liền, trên biển, di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm, những ngôi nhà yếu, những khu vực vùng cao, vùng núi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở…”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng để sơ tán dân một cách quyết liệt. Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng với các địa phương, các quân khu, các đơn vị vũ trang trên bàn chủ động sẵn sàng lực lượng để ứng phó trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ người dân sau khi bão đi qua.