Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin tại họp báo - Ảnh: PNO
Về việc tới đây Công an TP Hồ Chí Minh sẽ ra mắt App cảnh báo các chiêu thức lừa đảo cũng như hướng dẫn cách nhận biết để người dân tránh bị lừa đảo. Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Ban Giám đốc Công an TP đã giao Phòng nghiệp vụ của CATP khẩn trương tham mưu và triển khai thực hiện để sớm ra mắt App này, ngay khi hoàn thiện và chuẩn bị ra mắt, Công an TP sẽ thông tin chính thức.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng chia sẻ thêm về loại tội phạm lừa đảo qua mạng. Loại lừa đảo này thường hoạt động có tổ chức, có tính ẩn danh, tội phạm mang tính quốc tế cao, luôn chuẩn bị sẵn phương án để xóa dấu vết, với thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi thủ đoạn tiếp cận, chiêu thức lấy lòng tin để lừa đảo nạn nhân, vì vậy việc thông tin tuyên truyền, cảnh báo kịp thời là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Vì vậy Ban Giám đốc Công an TP đã có chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nhanh nhất, thường xuyên và rộng rãi nhất đến người dân, trong đó có chỉ đạo xây dựng App cảnh báo về an ninh trật tự.
Nhiều hình thức lừa đảo trên các mạng xã hội
Ngoài giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân, lãnh đạo Bộ Công an và Công an TP đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguyên nhân, điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá các vụ án về tội phạm lừa đảo qua mạng như: triển khai dự án cấp CCCD, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân; phòng chống rửa tiền, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo; tăng cường trao đổi kinh nghiệm và ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các nước mà tội phạm lừa đảo qua mạng tại Việt Nam đóng trụ sở và ẩn náu…