HSBC vừa phát hành báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á quý IV/2016 hôm nay (12/10). Theo đánh giá này, Chínhh phủ đang từng bước thực hiện những cải cách cần thiết để đưa tăng trưởng đi theo hướng bền vững hơn. Song trong thời điểm hiện tại, HSBC cho rằng, việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa khá bị giới hạn. Chính vì vậy, tổ chức này đã cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế (từ mức 6,3% xuống còn 6,2% cho năm 2016 và 6,6% xuống còn 6,5% cho năm 2017) trong khi vẫn tiếp tục kỳ vọng nền kinh tế sẽ tốt hơn trong tương lai gần.
Tính đến tháng 9, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã đạt mức 3,3%. Theo nhận xét của HSBC, mặc dù lạm phát có vẻ đang ở dưới mức mục tiêu 5% cho năm 2016, nhưng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng trở lại, trong đó có tình hình thời tiết không thuận lợi, chứa đựng rủi ro gây tăng giá lương thực; sự phục hồi của giá nguyên liệu, chi phí giáo dục, y tế gia tăng.. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng nhanh sẽ tiếp thêm áp lực cho nguy cơ tăng lạm phát.
Tương tự, dư địa cho việc nới lỏng tài khóa cũng khá nhỏ. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), thâm hụt ngân sách đến ngày 15/8 đạt gần 111,5 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng 44% dự toán cả năm. Tuy nhiên, áp lực về thâm hụt ngân sách nhiều khả năng sẽ tăng trong những tháng còn lại vì đầu tư cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng. Mặt khác, nguồn thu ngân sách từ dầu thô và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang tụt lại phía sau, do giá nhiên liệu thấp và tình hình thoái vốn cổ phần của Chính phủ trong các DNNN diễn ra khá chậm chạp.
Lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục đặt ra những thách thức, đang phải vật lộn với khối nợ xấu và lại một lần nữa chứng kiến tăng trưởng tín dụng cao. Đến tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu chính thức đạt 2,6%. Mặc dù tương đối nhỏ, nhưng vẫn còn khoảng 200 ngàn tỷ đồng nợ xấu bị mắc kẹt ở Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Cũng theo nhận định của HSBC, việc Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn Hiệp định TPP cũng đang đặt ra một thách thức khác cho Việt Nam. TPP là thỏa thuận ưu đãi thương mại của 12 quốc gia (bao gồm cả Mỹ nhưng không có Trung Quốc) chiếm 40% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ bãi bỏ khoảng 18.000 loại thuế giữa các quốc gia tham gia. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào cuối tháng tới dự kiến sẽ không có nội dung về TPP.