Sáng nay (12/11), TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa cùng 90 đồng phạm trong vụ án đánh bạc công nghệ cao.
Phiên xử diễn ra tại Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Hội đồng xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ.
Cụ thể, ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tiếp đến, 4 bị cáo hầu tòa về tội “Rửa tiền” gồm Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Đoàn Thị Thu Hà, Phan Thu Hương; 10 bị cáo bị truy tố tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; 44 trường hợp hầu tòa về tội “Đánh bạc”; 40 trường hợp bị truy tố tội “Tổ chức đánh bạc”; 1 người bị truy tố về tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, tham dự phiên tòa còn có hơn 30 luật sư, 14 nhân chứng, 73 cá nhân hoặc pháp nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm cả 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone… HĐXX vụ án gồm 5 người và có thêm 1 thẩm phán, 2 hội thẩm, 2 thư ký dự khuyết; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử là 4 cán bộ của VKSND tỉnh Phú Thọ… Khoảng 500 cảnh sát cũng được huy động để đảm bảo an ninh trật tự.
Phóng viên đang lấy thẻ tác nghiệp phiên xử.
Lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ cho biết, trong lịch sử tố tụng thì đây là vụ án mà số bị cáo đưa ra xét xử lớn nhất từ trước đến nay, 92 bị cáo, trong đó có một số là những người có trình độ, học vấn, địa vị cao. Số tiền mà tổ chức đánh bạc này đã thu của các con bạc là rất lớn, hơn 9.000 tỉ đồng. Vì vậy, HĐXX đã tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ để có thể làm rõ các tình tiết, điều hành tốt phiên tòa và xử lý vụ án khách quan, toàn diện.
Ngoài ra, HĐXX chỉ tuân thủ pháp luật, không bị phụ thuộc vào bất cứ tác động nào khác để đưa ra bản án hoặc quyết định một cách độc lập, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội…
Cựu Trung Tướng Phan Văn Vĩnh (áo màu xanh tím than).
Cựu Tướng Nguyễn Thanh Hóa (áo khoác xanh tím than).
Từ 8h30, 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã được dẫn tới hầu tòa. Ngoài 2 bị cáo có chức vụ, địa vị cao trong xã hội này, phiên tòa hôm nay còn có gần 90 bị cáo khác. Tổng số có 90/91 bị cáo có mặt trừ 1 người là Võ Minh Phương (35 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm) có đơn xin vắng mặt. Một số nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng xin vắng mặt.
Tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Văn Dương là người đầu tiên khai báo. Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, Dương bị truy tố các tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.
Bị cáo Phan Sào Nam (áo sơ mi trắng).
Tiếp đó, Phan Sào Nam bước đến bục. Theo VKSND tỉnh Phú Thọ, Nam và Dương đã vận hành hệ thống đánh bạc trên mạng Rikvip, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Theo kết luận điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ xác định giữa năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa nghiên cứu lập tờ trình xin chủ trương thành lập công ty bình phong cho C50. Trong thời gian xin chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp ông Hóa để hợp tác việc này.
Ngày 30/9/2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC). Ngày 10/10/2011, Dương và ông Hóa ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh về việc CNC hưởng 80% lợi nhuận, C50 nhận 20%. Tuy nhiên, C50 không góp vốn cũng như không cử cán bộ tham gia vào công ty này mà để Dương tự quyết.
Ngày 3/5/2012, Nguyễn Văn Dương gửi văn bản báo cáo với ông Vĩnh và Hóa về hiện trạng hoạt động cờ bạc trực tuyến tại Việt Nam, đề nghị lãnh đạo Tổng Cục Cảnh sát và C50 “tạo điều kiện hỗ trợ để CNC làm việc với đối tác trong việc xây dựng, tổ chức phát hành các trò chơi cờ bạc trên Internet, tạo nguồn thu để thực hiện nhiệm vụ được giao".
Tháng 5/2015, ông Hóa chỉ đạo phòng tham mưu dự thảo quyết định thành lập công ty bình phong và được ông Vĩnh ký duyệt.
Biết Công ty CNC của Nguyễn Văn Dương là công ty bình phong của Cục C50, Phan Sào Nam (Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VTC Online) đã đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng bằng hình thức game bài.
Dương đồng ý. Đến ngày 1/4/2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (Tổng Giám đốc Công ty CNC) ký với Nam về việc cung cấp dịch vụ phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Winall khi đơn vị này khai thác thương mại Rikvip.
Quá trình CNC vận hành cổng thanh toán game RikVip, khoảng giữa năm 2015, một cán bộ Phòng, chống tội phạm mạng máy tính (Phòng 2) của C50 phát hiện game bài RikVip có dấu hiệu tổ chức đánh bạc, đánh bạc nên đã báo cáo trưởng phòng.
Thời điểm đó, vị trưởng phòng 2 của C50 đã báo cáo, đề xuất ông Nguyễn Thanh Hóa cho phòng mình tổ chức, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhưng ông Hóa không đồng ý đề xuất với lý do CNC vận hành game bài RikVip là không vi phạm pháp luật và sẽ báo cáo lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo Bộ để CNC được hoạt động thí điểm, phục vụ công tác nghiệp vụ. Do vậy, Phòng 2 đã không thể tổ chức xác minh.
Phan Sào Nam, Lưu Thị Hồng, Nguyễn Văn Dương, Phạm Tuấn Anh, Nguyễn Quốc Tuấn, Kim Thanh Thủy.
Theo kết luận, lúc đó, một số Phó Cục trưởng Cục C50 cũng biết việc CNC kinh doanh game bài RikVip, Tipclub là tổ chức đánh bạc nên đã đề xuất ông Nguyễn Thanh Hóa tổ chức xác minh, xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, một lần nữa, ông Hóa phủi tay, không đồng ý, và cho rằng đây không phải là đánh bạc, không phải tội phạm.
Cũng theo kết luận, để thuận lợi trong quá trình làm ăn, ông Phan Văn Vĩnh đã được Dương tặng đồng hồ Rolex. Mặc dù ông Phan Văn Vĩnh khai đây là vật nhờ mua và đã trả 1,1 tỉ đồng, song công an đánh giá việc này là không có cơ sở. Bởi lương của ông Vĩnh khoảng 20 triệu đồng một tháng, để mua món đồ hàng hiệu này, ông sẽ mất 5 năm thu nhập không chi tiêu.
Theo kết luận điều tra, việc Dương khai, đã tặng ông Vĩnh 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD, biếu ông Hóa 22 tỉ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa đủ căn cứ chứng minh nên sẽ đề nghị điều tra xử lý tiếp ở giai đoạn 2. Ngoài ra, Dương còn chi tiền cho ông Vĩnh vào các dịp tết từ 10.000 - 150.000 USD.
Tháng 5/2017, Công an Phú Thọ điều tra vụ án lừa đảo 110 thẻ cào qua mạng xã hội Facebook, tương đương số tiền 55 triệu đồng; tháng 7/2017, Công an Phú Thọ bắt Lê Văn Huy - người lừa đảo chiếm đoạt 110 thẻ cào để đổi lấy tiền đánh bạc bằng game bài RikVip. Tháng 10/2017, Công an Phú Thọ khởi tố 2 bị can cầm đầu đường dây đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club là Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam. Ngày 11/3/2018, Công an Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa. Ngày 6/4/2018, Công an Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh. Sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ còn khởi tố thêm một số bị can khác liên quan đến vụ án.