Chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Chiều 2/7, tại TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Thu Hằng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN, chủ trì buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về Hội nghị NVNƠNN toàn thế giới lần thứ 4 & Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 (HNVK4 và Diễn đàn).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng cho biết, HNVK4 và Diễn đàn do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21 đến 24/8. Việc tổ chức sự kiện này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý và dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ tới dự, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc HNVK4 và Diễn đàn vào sáng 22/8.
Hội nghị NVNƠNN toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự của kiều bào tiêu biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Hội nghị NVNƠNN toàn thế giới luôn dành được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương và cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng thông tin với báo chí về HNVK4 và Diễn đàn năm 2024.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, việc tổ chức HNVK4 và Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng, nhất là năm 2024 là năm bản lề trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm đánh dấu tròn 20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác NVNƠNN; cũng như trong bối cảnh cộng đồng NVNƠNN mong muốn góp phần cùng Nhân dân cả nước hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ đề của HNVK4 và Diễn đàn lần này là “NVNƠNN chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”. Mục đích của HNVK4 và Diễn đàn nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác NVNƠNN. Đồng thời, đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36 phục vụ việc tổng kết Nghị quyết cũng như xây dựng đường lối của Đảng về NVNƠNN cho Đại hội Đảng lần thứ XIV.
4 phiên chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, dự kiến vào sáng 22/8, diễn ra phiên khai mạc cùng với Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài 2024, có sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Diễn đàn lần này có chủ đề “Trí thức và chuyên gia kiều bào hiến kế về các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước”, tập trung thảo luận các nội dung: xu thế phát triển kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ trên thế giới thời gian tới; đánh giá mức độ hồi phục của nền kinh tế thế giới và Việt Nam sau đại dịch Covid-19; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực phát triển kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, y học…); khuyến nghị giải pháp nhằm nâng cao vai trò của trí thức NVNƠNN trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại Việt Nam.
Vào chiều 22/8, diễn ra 4 phiên chuyên đề và phiên bế mạc. Phiên chuyên đề 1 “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam”, thảo luận các nội dung như: thực trạng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo ở sở tại; tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa quốc tế và Việt Nam; kiến nghị giải pháp cho sự phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam…
Phiên chuyên đề 2 “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước”, thảo luận các nội dung: thực tiễn và kinh nghiệm của doanh nhân kiều bào trong xúc tiến đầu tư tại Việt Nam; giải pháp thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp kiều bào và địa phương Việt Nam; chiến lược và giải pháp trong việc xúc tiến thương mại hàng Việt Nam ở nước ngoài và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế…
Phiên chuyên đề 3 “Đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và vai trò của thế hệ trẻ kiều bào”, các tham luận tập trung vào vấn đề: những kinh nghiệm, cách làm hay, các biện pháp tăng cường công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc; vai trò của lãnh đạo hội đoàn, lực lượng nòng cốt của các hội đoàn trong việc quy tụ, đoàn kết cộng đồng; vai trò của các hội đoàn NVNƠNN trong việc ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt ở sở tại; ý kiến, nguyện vọng về chính sách, pháp luật, trong đó có vấn đề nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam vẫn giữ quốc tịch nước ngoài…
Đối với phiên chuyên đề 4 “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”, nội dung tập trung vào phát huy vai trò của báo chí kiều bào trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, và trong việc gìn giữ, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc và tiếng Việt ở nước ngoài…
Phát huy tối đa nguồn lực của kiều bào đối với đất nước
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng, đến thời điểm hiện tại đã nhận đăng ký của 400 kiều bào từ 37 quốc gia, có thể xem đây là “Hội nghị Diên Hồng” của NVNƠNN với nhiều bộ, ngành tham gia. HNVK4 và Diễn đàn nhằm phát huy tối đa nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài về kinh tế, tri thức, chất xám… đầu tư cho đất nước. Kỳ vọng trong HNVK4 và Diễn đàn sẽ có những bản ghi nhớ, thỏa thuận giữa kiều bào, trí thức nước ngoài với những doanh nghiệp, địa phương trong nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thống kê tại HNVK3 (cuối 2016), có khoảng trên dưới 4,5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, có sự lớn mạnh và phát triển ở những địa bàn mới, trẻ, trong số 6 triệu người có khoảng 10% làm việc tại những trung tâm khoa học, công nghệ nổi tiếng như: NASA, thung lũng Silicon...
“Trước kia chúng ta thường nghe kể người Việt sống nhiều ở Hoa Kỳ, Pháp, các nước Đông Âu, Liên Xô. Còn thời gian qua người Việt phát triển ở Nhật với hơn 520.000 người (tăng 200% trong 5 năm), trong đó đa phần là thực tập sinh, tu nghiệp sinh. Họ là đội ngũ chuyên gia trí thức, tạo ra cộng đồng doanh nghiệp trí thức; đã có nhiều người gốc Việt trở thành thượng nghị sĩ ở nước sở tại), còn ở Đài Loan cũng đã có những cô dâu người Việt Nam tham gia Hội đồng địa phương cấp huyện”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.