Những tục lệ cúng Rằm tháng Giêng
Theo một số người lớn tuổi, chia sẻ: Cúng Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu đã trở thành tục lệ, mỗi gia đình đều làm mâm cơm mặn dâng lên ban thờ cúng lễ thổ thần long mạch và gia tiên. Ngày Rằm tháng Giêng được nhiều nơi, nhiều nhà coi đây là lễ cúng đầu năm mới báo cáo của gia chủ đối với vị long thần, mạch thổ đầu tiên trong năm mới cai quản nơi đất này.
|
Lễ cúng thổ thần, long mạch Rằm tháng Giêng gồm xôi, gà và các lễ vật khác. |
Việt Nam xuất phát từ nền văn minh lúa nước, theo tục lệ xưa, việc cúng Rằm tháng Giêng cũng là kết thúc những ngày chơi Tết Nguyên đán, bước vào vụ sản xuất mới. Người dân làm lễ đầu năm bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, thánh thần và cầu mong cho năm mới mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an, xua đi những tai ương. Ngoài cúng tại gia đình, nhiều người đi lễ chùa, đền cầu may.
Mỗi một miền quê đều có những tập tục riêng biệt dâng lễ cúng Rằm tháng Giêng. Tựu chung, lễ Rằm tháng Giêng nhiều nhà mua 1 gà trống, luộc để nguyên con, xôi, muối, gạo, hoa, quả, trầu cau, rượu thuốc để tế thần linh thổ thần, long mạch. Cùng với đó là thắp mâm cơm mặn lễ gia tiên.
|
Ngoài mâm cơm mặn cúng tổ tiên, người ta có thể nấu chè, làm các món bánh cổ truyền dâng lễ. |
|
Một số vùng ở miền Trung, dịp cúng Rằm tháng Giêng người ta làm rất lớn. Có gia đình còn gói bánh chưng, bánh téc dâng lễ như Tết cổ truyền. Con cháu đi làm ăn xa có điều kiện về được đều bố trí thời gian về quê cúng Rằm. Những gia đình đi biển còn làm cả lễ tế thần biển để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, cá tôm đầy thuyền.
Bà Mai người Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Cúng Rằm tháng Giêng đã là tục lệ từ xa xưa của ông cha để lại. Trong mâm cơm cúng của gia đình ngoài những món cổ truyền như thịt gà, lợn,... thì không thể thiếu những món ăn mang đặc trưng của Hà Nội như: Bánh tôm Hồ Tây, bánh xu xê, bánh cốm... Tâm nguyện của bà cũng như bao gia đình khác là cầu cho mọi người sức khỏe, bình an, mọi điều may mắn.
Giá cả bình ổn
Ngay từ sáng sớm ngày Rằm, nhiều chợ truyền thống ở Hà Nội đã rất đông người dân mua sắm lễ cúng Rằm tháng Giêng. Những mặt hàng bán chạy nhất là gà nguyên con, thịt lợn, hoa tươi, trái cây. Hầu hết các mặt hàng này đều tăng giá nhẹ từ trước Tết Nguyên đán và giữ giá đến hôm nay.
|
Tại phiên chợ Rằm tháng Giêng, các loại hoa hồng, cúc vẫn giữ giá như dịp Tết Nguyên đán. |
|
Cụ thể, giá gà trống nguyên con bán từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, tùy chợ, tăng 20.000 - 40.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Giá thịt lợn sấn, bắp giò, ba chỉ có giá bán 80.000 đồng/kg. Sườn thăn nõn bán với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Giá thịt lợn cũng tăng ngay từ dịp trước Tết Nguyên đán khoảng 10.000 đồng/kg và giữ giá đến nay.
Tôm nớt nuôi con to bán với giá từ 280.000 - 300.000 đồng/kg, giảm khoảng 50.000 - 80.000 đồng so với thời điểm sau Tết Nguyên đán.
|
Thịt lợn là mặt hàng tăng giá nhẹ trong dịp Tết năm nay. |
Hoa tươi cũng tăng giá từ trước Tết và giữ đến hiện tại. Cụ thể, hoa hồng do các vùng trồng ngoại thành Hà Nội cung cấp có giá 80.000 - 100.000 đồng/chục bông. Hoa cúc có giá 50.000 - 70.000 đồng/chục bông tùy bông to hay nhỏ. Hoa lay ơn có giá bán 60.000 đồng/chục bông. Riêng hoa lay ơn đắt hơn tuần trước từ 10.000 - 20.000 đồng/chục. Hoa ly màu tím và vàng bông to có giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng/chục cành (cành có từ 4 - 5 bông), rẻ hơn dịp Tết Nguyên đán từ 100.000 - 150.000 đồng/chục.
Theo các tiểu thương và người dân đi chợ trong dịp Tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu năm nay đều phấn khởi, chia sẻ: Đây là dịp Tết mà các mặt hàng được bình ổn giá nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hầu hết các mặt hàng không có biến động giá nhiều. Một số mặt hàng có tăng giá nhưng cũng không nhiều và không quá biến động so với những năm trước.
Theo dự báo của các tiểu thương, nguồn cung hoa tươi khá dồi dào, nhưng trong vài ngày nữa đến 8/3 thì hoa hồng và một số loại hoa khác sẽ không giảm giá và có thể tăng theo nhu cầu mua.