Sự việc xảy ra vào chiều nay (4.9). Theo ghi nhận của phóng viên, có khoảng 30 tài xế qua trạm đã sử dụng tiền lẻ để mua vé. Bắt đầu từ 16 giờ, các tài xế đã đi từ Hải Dương qua trạm thu phí lên Hà Nội. Đến khoảng 17 giờ, các tài xế vòng lại qua trạm lần 2.
Trong lần qua trạm đầu tiên, việc các lái xe dùng tiền lẻ mua vé diễn ra bình thường, nhưng trong lần quay trở lại, người dân ven trạm thu phí này biết chuyện đã kéo ra xem rất đông, gây ùn tắc vào khoảng 17 giờ 30.
Người dân thấy lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí đã kéo ra xem rất đông ẢNH LT
|
Trao đổi với phóng viên, một tài xế quê Hải Dương tham gia đoàn xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm, cho biết: “Chúng tôi làm như thế này để phản đối việc áp giá quá cao và không có sự hỗ trợ với những người dân sống quanh vùng phải thường xuyên đi qua trạm”.
Chiều cùng ngày, đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết công an tỉnh đã triển khai lực lượng đảm bảo giao thông, an ninh trật tự và giải tỏa ùn tắc, xe nào dùng tiền lẻ sẽ mời ra khu vực riêng để thu phí.
Một doanh nghiệp ở Hải Phòng cho biết khi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (tuyến song song quốc lộ 5) đi vào hoạt động, doanh nghiệp ông và nhiều người nghĩ sẽ không phải trả phí khi đi Quốc lộ 5, vì tuyến này người dân đã phải trả phí quá lâu rồi. Nhưng khi tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động, hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5 vẫn tiếp tục được giao cho doanh nghiệp thu phí.
Đến 18 giờ, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra ẢNH LT
|
Quốc lộ 5 có chiều dài 116 km, nối Hà Nội với Hải Phòng, được cải tạo, nâng cấp từ tháng 6.1996 và hoàn thành vào năm 1998. Trên tuyến hiện có 2 trạm thu phí, một đặt tại Hưng Yên và một đặt tại Hải Phòng.
Từ tháng 4.2016, trạm thu phí số 1 tăng giá vé gấp 1,5 lần (từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng đối với xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi hoặc xe tải dưới 2 tấn; từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng với xe từ 12 đến dưới 30 chỗ ngồi, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn...). Đơn vị thu là Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).
Trước đó, hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 từng bị người dân và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phản đối. Nguyên nhân, người dân không có sự lựa chọn khi đi tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Lý giải về việc thu phí quốc lộ 5, lãnh đạo Bộ GTVT từng khẳng định đường quốc lộ 5 xuống cấp hết sức nghiêm trọng, lượng xe đi rất lớn, trong khi đó ngân sách nhà nước để đầu tư cho đường này không có. Do đó, quốc lộ 5 đã được đề nghị nâng cấp bằng hình thức BOT.
Theo phương án tài chính đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước đây, Vidifi đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng) với điều kiện Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư dự án. Trong đó có hai trạm thu phí trên quốc lộ 5 để dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đảm bảo khả năng thu hồi vốn.