Cần ưu tiên đặc biệt cho quy hoạch sông Hồng
Là người đầu tiên phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (quận Tây Hồ) bày tỏ cơ bản nhất trí báo cáo của UBND TP trình bày.
Theo đại biểu, thời gian qua, UBND TP đối thoại, tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp có sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của TP. Cử tri cũng cảm nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP giúp thu ngân sách đạt kết quả cao; an ninh chính trị trên địa bàn được bảo đảm, đặc biệt là sự thành công của Tuần lễ APEC 2017; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của cả hệ thống chính trị vào dịp kỷ nhiệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ; thành phố quyết liệt dập dịch sốt xuất huyết kéo dài với nhiều diễn biến bất thường cũng như kịp thời chỉ đạo hỗ trợ, giúp người dân trên địa bàn 2 huyện chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ nhanh chóng ổn định đời sống" - ĐB nêu.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (quận Tây Hồ) phát biểu thảo luận |
Đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, ĐB Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số giải pháp như thành phố cần có chủ trương để giải quyết các thác thức đặt ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh khi trong tiến trình hội nhập năm 2018, nhiều thuế suất nhiều mặt hàng giảm về 0.
Cũng theo ĐB, Hà Nội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế; kiểm tra việc xử lý nước thải tại các khu chung cư để bảo đảm tiêu chuẩn; thúc đẩy các dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn và có giải pháp đầu tư mạnh hơn để hoàn thành chỉ tiêu công nhận lại các trường chuẩn quốc gia....
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Quận Thanh Xuân) góp ý, sau khi nghiên cứu báo báo Kết quả thực hiện Kế hoạch KT-XH TP Hà Nội năm 2017 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, đại biểu nhất trí cao với những nội dung của Báo cáo cũng như đồng tình với những giải pháp mà UBND TP trình HĐND tại kỳ họp này.
Với những kết quả đã đạt được 2017, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những kết quả về kinh tế xã hội cũng nhưng những việc làm mà đảng bộ, chính quyền TP với những nỗ lực không biết mệt mỏi, vượt qua khó khăn thách thức, chủ động sáng tạo, quyết tâm thực hiện để có được kết quả như ngày hôm nay.
|
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) phát biểu thảo luận |
Những chỉ số kinh tế, kết quả được định lượng rõ ràng trong Báo cáo như tỷ lệ tăng xuất khẩu, tăng du lịch từ du khách nước ngoài, đạt và vượt tỷ lệ cung cấp nươc sạch hay chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh là những con số biết nói, minh chứng cho những kết quả đó.
“Hay đơn cử như thực hiện Nghị quyết 39 và hiện đang triển khai nghị quyết hội nghị trung ương 6, Hà Nội đã nỗ lực và gương mẫu thực hiện và đạt kết quả rất ấn tượng. Chương trình an sinh xã hội như xây dựng 8.000 ngôi nhà cho người nghèo, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của một chính quyền vì dân”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Riêng lĩnh vực báo chí, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết, trong năm 2017 có trên 8.000 bài báo đề cập các vấn đề vè Hà Nội, đa số các vấn đề báo chí nêu đều được quan tâm chỉ đạo giải quyết, riêng chủ tịch TP đã trực tiếp ký 129 văn bản yêu cầu xử lý; TP đã quan tâm đến công tác khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của dân với trên 80% số đơn thư, các khiếu nại, kiến nghị của nhân dân được các cấp chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, nhiều vụ việc đã được xử lý dứt điểm, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
“Điều đó đã minh chứng một điều rằng, Hà Nội đang hưởng ứng tích cực và hiệu quả chủ trương xây dựng một chính phủ kiến tạo, một chính quyền đang chuyển mạnh từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ”, đại biểu khẳng định.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, để đạt được mục tiêu của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra, nhất là 3 khâu đột phá, 8 chương trình công tác lớn của TP, đáp ứng được đòi hỏi, yêu cậu và mong ước của nhân dân về xây dựng một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại thì còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đại biểu, ngoài những thuận lợi và tiềm năng sẵn có của một thành phố Thủ đô, với những thành tựu đã đạt được sau 30 năm đổi mới, đô thị năng động, đầy sức sống với an ninh trật tự được đảm bảo, người dân đoàn kết, thân thiện, là trung tâm của kha học công nghệ, của thương mại dịch vụ và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới thì Hà Nội cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Đó là, sự bất cập giữa nhu cầu phát triển, tăng trưởng kinh tế, áp lực gia tăng dân số, và mục tiêu xây dựng một đời sống văn minh hiện đại với thực trạng hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh như vỉa hè, bãi đỗ xe, vườn hoa, công viên, các nêm xanh trong thành phố.
Bên cạnh đó, mẫu thuẫn giữa đòi hỏi cộng đồng dân cư xây dựng nếp sống đô thị văn minh, hiện đại, ngăn nắp với gánh nặng áp lực của dân nhập cư ngoại tỉnh. Mật độ dân số đông trong khi một bộ phận cư dân thiếu hoặc chưa hình thành thói quen, nếp sống của cư dân đô thị.
Đại biểu dẫn chứng: Đó là, năng lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu, khả năng hội nhập yếu của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô với thách thực hiện hữu của thời kỳ công nghiệp 4.0 buộc chúng ta phải đặt câu hỏi lớn liệu doanh nghiệp có lột xác để thành công hay đối diện với khó khăn và thất bại?; Đó là, thách thức lớn với hệ thống chính quyền khi khối lượng công việc gia tăng trong khi phải thực hiện giảm biên chế hành chính nhà nước và thu gọn hệ thống hành chính trong bối cảnh giao dịch hành chính điện tử để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử chưa đi vào vận hành thông suốt và hoàn hảo.
Bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2015- 2020, đại biểu đề nghị HĐND TP cần ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết thấu đáo và hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, ưu tiên nguồn lực, đa dạng hoá các hình thực đầu tư, huy động vốn trong và ngoài nước để hoàn thiện việc xây dựng, kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, quyết tâm thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030" mà HĐND TP đã thông qua tại kỳ họp thư IV. Kiến nghị với Chính phủ và phối hợp với các bộ ngành để thực thi nghiêm túc và hiệu quả Quyết định 130 của Thủ tướng về di dời trụ sở bộ ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô.
|
Kỳ họp thứ 5, HĐND TP Hà Nội khóa XV |
Hai là, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định, nhất là quy chế cải tạo chung cư cũ, quy chế quy hoạch chi tiết và hợp khối hợp thửa đất, quy chế trùng tu, cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ, nhà cũ; quy chế xã hội hoá trung tâm thể Dục thể thao, nhà văn hoá... để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia chỉnh tra xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Ưu tiên đặc biệt cho quy hoạch sông Hồng để tạo diện mạo mới cho Thủ đô cũng như giải quyết các vấn đề liên quan khác.
Ba là, tạo cơ chế, thúc đẩy đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông tĩnh như bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe trên cao, giảm giao thông cá nhân và khu vực nội đô đồng thời với việc sắp xếp, quản lý khoa học, thông minh việc đỗ xe, kinh doanh vỉa hè để tạo bộ mặt văn minh đô thị. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, thoát nước, xử lý ô nhiễm các hồ để tạo môi trường sống xanh sạch đẹp.
Bốn là, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy mạnh xuất khẩu, ưu tiên xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tập trung phát triển các dịch vụ chủ chốt như: dịch vụ thương mại, du lịch, tài chính chứng khoán...Ưu tiên đất đai, hạ tầng và cơ chế thu hút đầu tư đối với công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông và công nghiệp nội dung số để tạo ra giá trị gia tăng cao.
Năm là, với lĩnh vực báo chí, truyền thông, đề nghị các sở ngành, quận huyện học tập và làm theo cách thức thiết lập mối quan hệ báo chí chuyên nghiệp và cởi mở như Thành uỷ- HĐND- UBND- UBMTTQ TP, Ban Tuyên giáo, Sở TTTT đang thực hiện. Đó là tính chủ động, sự chuyên nghiệp, tính thân thiện, cởi mở và thẳng thắn với báo chí. Nghiêm túc thực hiện Luật báo chí và quy chế phát ngôn với tinh thần nghiêm túc tiếp thu và cầu thị cũng như nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức kiến nghị: "Về chính sách với hệ thống báo chí Thủ đô, đại diện cho hơn 1500 những người làm báo thủ đô và các cơ quan báo chí, tôi trân trọng đề nghị Thành uỷ-HDND- UBND TP trong quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí Thủ đô đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho báo chí để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại bùng nổ CNTT và mạng xã hội, đáp ứng nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội, cung cấp thông tin thiết thực cho thành phố gần 10 triệu dân và thông tin, quảng bá Thủ đô Ha Nội ra thế giới cũng như phục vụ hội nhập quốc tế".
Sáu là, thực hiện chủ trương của Trung ương, tích cực nghiên cứu và ưu tiên nguồn lực để xây dựng chính quyền đô thị phù hợp với việc thiết kế và áp dụng chính quyền điện tử và đô thị thông minh để tăng cao năng lực quản lý của chính quyền thành phố, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân về một chính quyền phục vụ, chính quyền trọng dân và vì dân.
"Với kết quả của năm 2017, kế hoạch hoạt động của năm 2018, với không khí, tinh thần xây dựng một chính phủ kiến tạo, một chính quyền vì nhân dân phục vụ, tôi hoàn toàn tin tưởng vào những kết quả và thăng lợi tiếp theo của năm 2018", đại biểu bày tỏ.
|
Đại biểu Nguyễn Khắc Hiền phát biểu thảo luận |
Công khai, minh bạch hơn nữa về thông tin thủ tục hành chính
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Khắc Hiền (Tổ Đại biểu Thị xã Sơn Tây) cho biết, cơ bản nhất trí với các báo cáo phát triển Kinh tế - xã hội trong năm vừa qua. Đại biểu Hiền bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người dân của TP. “Nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ đã được các cấp chình quyền TP quan tâm, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt như công tác khống chế và đẩy lui dịch sốt xuất huyết thời gian qua” - Đại hiểu Hiền nhấn mạnh.
Liên quan đến các chỉ tiêu chuẩn Quốc gia về y tế, Đại biểu hiền cho hay, Hà Nội đã có 560 xã phường đạt chuẩn và còn 24 xã, phường cần được quan tâm để hoàn thành nốt. Đặc biệt, trong số 24 xã, phường nêu trên còn 7 Trạm y tế đang chờ phân bổ ngân sách để xây dựng, cải tạo nhằm đạt chuẩn Quốc gia.
Theo tiêu chuẩn được Quốc hội thông qua, cả nước phấn đấu đạt 26,5 giường bệnh/vạn dân. Hiện Hà Nội có 13.800 giường bệnh tại các bệnh viện công lập địa phương, nếu tính cả số giường tại các bệnh viện ngoài công lập, TP đã đạt gần 23 giường bệnh/vạn dân. “Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, TP đã phê duyệt một số dự án bệnh viện như: Thường Tín, Hà Đông... Đề nghị TP quan tâm đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án này, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế giao quyền sử dụng một số bệnh viện công lớn trên địa bàn để đến năm 2020 TP có thể đạt được chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/vạn dân”.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) cho rằng năm 2016 TP có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi trọng kỷ cương kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi, đặc biệt là những người trực tiếp giao tiếp với dân chuyển biến chậm. Chất lượng các dự án khởi nghiệp ở mức trung bình, nhiều loại hình khởi nghiệp chưa được cấp nhật.
Vì vậy, đại biểu này đề xuất, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, TP cần tiếp tục cải thiện các thành phần để nâng cao chỉ số PCI, tập trung hơn nâng cao năng lực phục vụ, tính công khai minh bạch về thông tin thủ tục hành chính; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức.
|
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai) phát biểu |
Với kế hoạch tăng số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP là hơn 400 nghìn vào năm 2020, 3 năm nữa phải tăng 150 nghìn doanh nghiệp, chưa kể những DN đóng cửa, trung bình mỗi năm cần có trên 50 nghìn DN được thành lập mới. “Đây là thử thách lớn bởi năm 2017 có khoảng 25 nghìn DN được thành lập mới. Vì vậy, việc hỗ trợ DN vừa và nhỏ để DN tồn tại, tạo môi trường thuận lợi và thành lập DN mới cần có chiến lược rõ ràng”, đại biểu này nói. Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ mới được thông qua, TP cần có các hướng dẫn cụ thể đối với khối DN.
Về khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp, theo đại biểu Phạm Đình Đoàn, cần tăng cường xã hội hóa kêu gọi trách nhiệm của DN lớn trong công tác khởi nghiệp. Để vườn ươm DN hoạt động hiệu quả, phải hỗ trợ ban đầu cho DN như cấp đất, hỗ trợ hạ tầng, đồng thời TP tạo cơ chế giúp DN khởi nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội.
Đại biểu Phạm Hải Hoa (huyện Phú Xuyên) góp ý, để phát triển KT – XH đồng đều các khu vực trên địa bàn TP Hà Nội, bà Phạm Hải Hoa đề xuất TP tổ chức rà soát đánh giá hoàn thiện ngành nông nghiệp Thủ đô để xây dựng các cơ chế chính sách định hướng có chất lượng. Nhân rộng những định hướng có chọn lọc các kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình thực tiễn tại các địa phương phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
|
Đại biểu Phạm Hải Hoa (huyện Phú Xuyên) |
Bên cạnh đó, TP cần có sự nhất quán trong kinh phí, chú trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp làng nghề để sớm di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra khu tập trung, gắn phát triển làng nghề với phát triển các điểm du lịch của TP. Đồng thời, đề xuất TP có cơ chế hỗ trợ đầu tư đặc thù xây dựng trường chuẩn quốc gia tại huyện Phú Xuyên…
Quảng bá những tấm gương việc tốt, hành động đẹp
Đại biểu Đỗ Thuỳ Dương (tổ Đại biểu quận Cầu Giấy) bày tỏ sự quan tâm đến công tác đấu thầu cung cấp vật tư, nguyên vật liệu, học liệu cho y tế và giáo dục. “Đối với câu chuyện y tế, tôi cho rằng đúng lúc, đúng chỗ là quan trọng hơn cả. TP cần giao Sở y tế rà soát lại danh mục và điều chỉnh chính sách đấu thầu cung cấp vật tư, nguyên liệu y tế cho phù hợp” - Đại biểu Dương đề nghị.
|
Đại biểu Đỗ Thuỳ Dương (tổ Đại biểu quận Cầu Giấy phát biểu |
Trong lĩnh vực văn hoá - xã hội, Đại biểu Dương cho rằng, trong suốt 15 năm, TP đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng mô hình Tổ dân phố văn hoá, gia đình văn hoá nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn, các hành động văn hoá, hành vi đẹp trong đời sống thực tế chưa được biết đến nhiều.
Đại biểu Dương mong muốn TP có thêm những biện pháp tuyên truyền, quảng bá những tấm gương việc tốt, hành động đẹp. “Cần có sự tham gia nhiều hơn của người dân trong các vấn đề xây dựng văn hoá và quy tắc ứng xử, không thể áp đặt từ trên xuống sẽ không có hiệu quả cao” - Đại biểu Dương nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) mong muốn Hà Nội phát triển theo hướng là thành phố văn minh với phương thức thông minh và nguyên tắc minh bạch.
"Hơn địa phương nào hết, Hà Nội cần thực sự trở thành thành phố văn minh. Thời gian qua, thành phố có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng kết quả còn có một số hạn chế như tội phạm có dấu hiệu gia tăng; ứng xử một vài cán bộ công chức với tự nhiên, với cảnh quan, môi trường chưa đạt được yếu tố một đô thị văn minh, thân thiện" - ĐB Thanh Bình nêu.
Trong phương thức để phát triển, quản lý và điều hành, thành phố cần bổ sung nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng chính quyền đô thị ở khu vực nội thành cùng với phương thức quản lý vận hành theo hướng đô thị thông minh. Thời gian tới, thành phố tới nên xây dựng đề án và thí điểm quản lý đô thị thông minh trên một địa bàn.
Trong năm 2018 và những năm tới, ĐB đề nghị thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tình thần phục vụ nhân dân và DN theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm theo đúng quy định và đồng bộ trên các lĩnh vực: q,uy hoạch kế hoạch, quy định, quy chế làm việc, quy trình giải quyết nội bộ, về thẩm quyền trách nhiệm của cán bộ công chức cơ quan các cấp.
* Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng 4/12, thay mặt UBND TP, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: KT-XH năm 2017 tại Hà Nội đạt được kết quả khá toàn diện: thu hút vốn đầu tư tăng cao; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo. Tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH đều hoàn thành kế hoạch, trong đó thu ngân sách vượt dự toán và 06 chỉ tiêu vượt kế hoạch…
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, với sự quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao, TP đã chỉ đạo thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu ngân sách và tiến độ giải ngân đầu tư XDCB; tăng cường quản lý, chỉnh trang đô thị; chỉ đạo quyết liệt các giải pháp dập bệnh dịch sốt xuất huyết; tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội….
Nhìn chung, tất cả các chỉ tiêu phát triển KT-XH của TP Hà Nội đều hoàn thành và vượt kế hoạch, phù hợp tình hình phát triển chung của cả nước. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước.
Năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho biết, TP đặt ra mục tiêu tổng quát là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Gỡ khó, nâng cao hiệu quả đấu thầu mua sắm tập trung
Trước các ý kiến phát biểu thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018 của TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh Hà Nội là một trong những tỉnh, TP tiên phong thực hiện chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Chiều 4/12, tại phiên thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018, đại biểu Lê Thùy Dương (tổ đại biểu Cầu Giấy) nêu về hiệu quả thực hiện chủ trương mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Sở Tài Chính và Sở Nội vụ đã tham mưu TP thành lập Trung tâm mua sắm tập trung thuộc Sở Tài chính, trên cơ sở cán bộ công chức viên chức Sở Tài chính sắp xếp vào đây (không làm tăng biên chế).
|
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm |
Việc tổ chức triển khai rất bài bản, TP rà soát danh mục tài sản để trình UBND TP ban hành, đưa lên khoảng 12 danh mục, trong đó có danh mục thiết bị y tế cũng như vật tư tiêu hao trong quá trình khám chữa bệnh.
Trong quá trình triển khai, TP rất thận trọng, tranh thủ ý kiến của các cấp ngành để tạo đồng thuận. Từ việc đăng ký nhu cầu mua sắm tập trung, sau khi đấu thầu thì thì triển khai kết quả đấu thầu và tổ chức thanh toán. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có phát sinh một số tồn tại thực tế, như: Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong mỗi năm chỉ mua sắm tập trung được một lần, dẫn đến việc phải chờ tổng hợp từ các đơn vị, sở ngành, quận huyện lên TP, đủ một mức độ nhất đinh thì cơ quan tài chính mới tổ chức đấu thầu, nên nhu cầu của các đơn vị cũng không được đáp ứng kịp thời.
Bên cạnh đó, khi đấu thầu mua sắm tập trung thì thống nhất một danh mục tài sản, khi mua sắm thì đồng loạt trang bị cho cả TP, từ bàn ghế, máy tính đến nhiều vật dụng khác, nhưng khi áp vào nhu cầu của các đơn vị thì không phù hợp nhu cầu đơn vị.
Về giá, khi đơn vị lập nên để báo cáo Trung tâm mua sắm tập trung, có thể mùa đông giá điều hòa thấp nhưng khi đấu thầu tập trung vào mùa hè thì giá cao, vì vậy phát sinh nhiều khó khăn. Về các thiết bị y tế cũng vậy, chủ yếu là các bệnh viện đăng ký, nhưng các bệnh viện phản ánh các thiết bị được mua sắm tập trung cũng cho biết chưa phù hợp thực tế của bệnh viện… Hơn nữa, trong quá tình thực hiện thanh quyết toán, khi Trung tâm mua sắm tập trung thực hiện việc đấu thầu xong thì đơn vị trúng thầu thực hiện ký hợp đồng khung với đơn vị được cung ứng.
Trên cơ sở hợp đồng khung đó, các đơn vị sử dụng, đơn vị dự toán ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị, nên một món chúng ta đấu thầu tập trung được rải rác ở rất nhiều đơn vị, liên quan đến các đơn vị sự nghiệp từ trường học đến y tế, nên quá trình lắp đặt triển khai rất vất vả, nhất là khi các đơn vị được sử dụng có thể thanh toán cho các đơn vị cung ứng cũng rất khó khăn.
Vì vậy, qua thực tế các đơn vị tổng hợp về, UBND TP nhận thấy tới đây, cần rà soát lại trong những danh mục này, xem danh mục nào cần mua sắm tập trung với tinh thần hiệu quả, cải cách TTHC, đáp ứng được yêu cầu chung. Trong quá trình đấu thầu mua sắm tập trung cũng cần xem khâu nào đang phát sinh phiền hà, xem một năm đấu thầu bao nhiêu lần là đủ, hay có cần thường xuyên hay không, tránh hiện tượng có những cơ sở vật chất, dự án, trường học, công trình… khi xây xong phần thô thì phần thiết bị lại phải chờ… UBND TP cũng đề nghị, đây là chủ trương mới của Chính phủ, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều để nâng cao hiệu quả mua sắm, nên các đại biểu HNND TP qua thực tế giám sát cần có thông tin phản hồi cho TP và các sở ngành lắng nghe.
“Chúng tôi đang giao Sở Tài chính báo cáo tổng thể, rà soát những kết quả làm được cũng như những gì cần khắc phục về đấu thầu tập trung, thậm chí có những danh mục cần đưa ra khỏi đấu thầu tập trung. Hy vọng, chủ trương đấu thầu mua sắm tập trung của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội tới đây sẽ được thực hiện hiệu quả và thiết thực”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản khẳng định.