Sáng ngày 7/2, theo ghi nhận, chỉ có khoảng vài chục người đến ga Sài Gòn để chờ lên tàu về quê xum vầy cùng người thân đón tết, khác hẳn các năm trước khi ngày cuối năm luôn nhộn nhịp, đông nghẹt hành khách.
Do lượng khách đến khá thưa thớt nên khu vực ghế ngồi chờ cho khách hoàn toàn trống vắng, khi nhà ga thông báo mở cửa thì hành khách vào ga và lên đúng chuyến tàu, số toa, số chỗ ghi trên vé không phải chen lấn hay chờ đợi.
Khu vực ngồi chờ lấy vé tại ga Sài Gòn vắng vẻ trong ngày 7/2. Ảnh: Hà Nam
Cầm trên tay cặp vé, anh Lê Minh Hiếu (quê Đà Nẵng, làm nghề xây dựng tại TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Mấy năm trước tôi chủ yếu về quê bằng máy bay, nhưng năm nay kinh tế khó khăn nên chuyển sang đi tàu để giảm bớt kinh phí đi lại dịp Tết”.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phi Yến lần đầu tiên đi tàu ngày 28 tết, 2 đứa con gái của chị cùng về quê Quy Nhơn ăn tết: “Tôi cứ đinh ninh là đi tàu sẽ đông và mệt lắm, không ngờ sáng nay lại thoải mái như vậy. Năm sau chắc gia đình tôi cũng lại chọn đi tàu để về đón tết, vừa rẻ vừa an toàn, lại còn được ngắm cảnh thoả thích” – chị Yến chia sẻ.
Tuy nhiên trên thực tế ga Sài Gòn lại không hề vắng khách, trưa ngày 7/2, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Thái Văn Truyền – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (VTĐS) cho biết, trong những ngày cận tết buổi sáng và trưa ga Sài Gòn thưa khách là vì tàu chủ yếu chạy vào ban đêm. Hơn nữa, thay vì tập trung tất cả hành khách ở ga Sài Gòn như các năm trước, hiện nay hành khách được phân bổ ra ở 3 ga là ga Biên Hoà, ga Dĩ An và ga Sài Gòn.
Trong ngày 7/2 ghi nhận ga Sài Gòn sẽ đón từ 7.000 - 8.000 khách, xác lập ngày có lượng khách đi lại lớn nhất trong dịp Tết Giáp Thìn. Ảnh: Công ty Cổ phần VTĐS Sài Gòn
“Hành khách ở Thủ Đức, Dĩ An thì sẽ xuất phát tại ga Dĩ An, hành khách ở Đồng Nai thì xuất phát tại ga Biên Hoà, còn ga Sài Gòn chủ yếu là phục vụ hành khách ở TP Hồ Chí Minh, Long An… Cách phân bổ này không chỉ giúp “giảm tải” cho ga Sài Gòn, mà còn tạo điều kiện để hành khách thuận lợi trong việc đi lại vào cao điểm cuối năm, hạn chế tình trạng trễ tàu, trễ chuyến” – ông Truyền cho hay.
Cũng theo ông Truyền, những ngày cận Tết nguyên đán 2024, lượng khách đi tàu rất đông. Cao điểm nhất là các ngày từ 3/2 – 7/2 (tức là từ ngày 24 đến 28 tháng Chạp).
“Hiện tại, trung bình mỗi ngày ga Dĩ An và ga Biên Hoà đón khoảng 1.000 khách/ngày. Riêng ga Sài Gòn, trong ngày hôm nay (7/2) sẽ đón và phục từ 7.000 – 8.000 khách. Dự kiến, trong 2 ngày còn lại của 2023 là ngày 29 và 30 tết, lượng khách sẽ giảm nhẹ, vì số người đi đường xa không còn nhiều, chỉ còn khách đi đường ngắn từ Đà Nẵng trở vào” – ông Truyền nói thêm.
Đến nay, tổng số vé ngành đường sắt đã bán trong dịp Tết Giáp Thìn khoảng 360.000 vé. Ảnh: Công ty Cổ phần VTĐS Sài Gòn
Ngoài ra, lãnh đạo ngành đường sắt cũng lưu ý, trong những ngày cận Tết, lưu lượng người dân di chuyển trên đường rất đông (nhiều tuyến đường đến khu vực ga có thể xảy ra tình trạng kẹt xe). Vì vậy, hành khách nên xem thời gian giờ tàu chạy ghi trên vé và dự tính thời gian di chuyển thực tế từ nhà đến ga để có mặt ở ga trước giờ tàu chạy từ 30 phút đến 1 giờ.
Đồng thời, hành khách đi tàu mang theo hành lý nhỏ gọn, mỗi vé hành khách mang không quá 20kg và tự trông coi, bảo quản hành lý. Ngành đường sắt sẽ tổ chức kiểm soát thẻ lên tàu, giấy tờ tùy và giấy tờ để xác minh đối tượng giảm giá của hành khách tại cửa vào ga và cửa toa tàu.
Để hỗ trợ người dân, ngành đường sắt đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi trong dịp Tết. Cụ thể, giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng, giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8/2/2024 (tức ngày 29 tết) và đi từ 1.000 km trở lên, giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi, đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10% đến 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.