Vì sao TP Hà Nội quyết định tổ chức sự kiện Lễ hội Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội - Đến để yêu”?
- Qua tìm hiểu tâm lý của du khách khi đến với Thủ đô chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Hà Nội là vào mùa thu từ tháng 8 - 11 hàng năm. Bời vào giai đoạn này tiết trời Hà Nội đẹp nhất trong năm, với bầu trời xanh trong, gió heo may se se lạnh. Đây là điều kiện tốt nhất để du khách có thể tham quan, khám phá những địa danh nối tiếng, thưởng thức ấm thực đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Khách du lịch dạo chơi trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Đặc biêt, mới đây kênh truyền hình CNN đã các phóng sự nhận xét “Hà Nội là một trong 12 điểm đến lý tưởng nhất thế giới vào mùa thu”. Chính vì vậy, việc tổ chức Festival Thu Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thu Hà Nội – Đến để yêu” nhằm quảng bá những nét đẹp văn hóa, khai thác sự độc đáo, hấp dẫn của các danh thắng, di tích, di sản của Thủ đô Hà Nội – điểm đến hấp dẫn, chất lượng và an toàn. Qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành từng bước khai thác vẻ đẹp mùa thu, xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Trong thời gian diễn ra Festival, TP Hà Nội sẽ tổ chức những hoạt động gì để quảng bá tiềm năng, cảnh đẹp Thủ đô tới du khách trong nước và quốc tế?
- Để phục vụ du khách đến với Thủ đô Hà Nội trong thời gian diễn ra Festival, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch một cách tỷ mỷ, kỹ lưỡng các hoạt động. Trong đó, để giới thiệu mùa thu Hà Nội tới du khách, Festival Thu Hà Nội được triển khai tại các tuyến phố đẹp và cổ kính tại Thủ đô gồm dọc phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và khu vực nhà Bát Giác với quy mô 150 gian hàng .
Lễ hội có sự tham của 10 quận, huyện như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Mê Linh, Quốc Oai, Ứng Hòa, Đông Anh, Ba Vì, Gia Lâm. Các quận huyện này đến với Festival sẽ quảng bá tiềm năng và sản phẩm du lịch của mỗi địa phương.
Ngoài ra, Festival cũng thu hút 14 tỉnh, tham gia gồm Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Đồng Nai, An Giang. Các địa phương này cũng sẽ quảng bá tiềm năng và sản phẩm du lịch của tỉnh.
Khách du lịch quốc tế dạo chơi trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Đặc biệt, nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa thời trang Hà Nội tới khách du lịch, các nghệ nhân, nhà may sẽ tổ chức trình diễn trang phục áo dài. Riêng Câu lạc bộ áo dài Việt Nam còn trình diễn 11 bộ sưu tập áo dài của 11 nhà thiết kế, trong đó có chiếc áo dài kỷ lục “Dấu ấn thời gian” của nhà thiết kế Hoàng Ly với chiều dài 189m, đính đá và in họa tiết cổ Việt Nam.
Thực tế, du khách khi đến với Hà Nội không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn để thưởng thức những món ăn ngon, vậy ẩm thực Hà thành có được giới thiệu đến du khách trong Festival Thu Hà Nội không?
- Tại Festival Thu Hà Nội, bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm du lịch, TP Hà Nội còn quảng bá những món ngon Hà Nội mang đậm màu sắc mùa thu tới du khách. Điểm nhấn là không gian ẩm thực Hà Nội với chủ đề “Tinh hoa ẩm thực Việt” giới thiệu nhiều “đặc sản” ẩm thực của Thủ đô tới du khách.
Khách du lịch sẽ được trải nghiệm không gian cốm - hương vị mùa thu kể về câu chuyện hình thành và phát triển nghề sản xuất cốm của người Hà Nội. Không gian phở Hà Nội giới thiệu văn hóa phở Hà Nội, từ phở mậu dịch cho đến những quán phở nổi tiếng như phở Thìn và một số thương hiệu phở nổi tiếng khác. Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu, thưởng thức những món ăn đặc sản Hà Nội rất hợp cho mùa thu như chả cá, chả cốm đèn lồng, bún ốc hồ Tây, xôi Phú Thượng…
Khách du lịch thưởng thức ẩm thực Hà Nội tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây). Ảnh: Hoài Nam
Sự kiện cũng giới thiệu ẩm thực đặc sắc của các quận, huyện, làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội; các nghệ nhân trình diễn quy trình làm nên những món ăn đặc sản địa phương như rượu hũ làng Ngâu (Thanh Trì), bún xào cần (Đông Anh), tương Cự Đà (Thanh Oai), tương nếp Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)...
Không chỉ giới thiệu những món ăn truyên thống, Festival Thu Hà Nội còn có không gian quảng bá các cơ sở ẩm thực đã đạt danh hiệu giải thưởng Michelin như phở Bò Ấu Triệu, phở Gà Nguyệt, chả cá Thăng Long, Tuyết bún chả 34.
Ngoài quảng bá du lịch Thủ đô các hoạt động kết nối, xúc tiến du lịch có được triển khai trong dịp này không thưa bà?
- Trong khuôn khổ Festival Thu Hà Nội, sẽ có nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến du lịch được tổ chức như: Hội nghị phát triển du lịch MICE & Golf (du lịch hội nghị, hội thảo và golf). Nhằm thu hút khách tới các điểm du lịch ngoại thành vào mùa thu vàng, một số địa phương như Sơn Tây, Ứng Hòa sẽ có hoạt động quảng bá cho du khách về sản phẩm du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Đường Lâm và một số địa bàn khác.
Khách du lịch thăm quan phố sách trong mùa thu Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Ngoài ra các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kích cầu du lịch như bán tour kết nối Thủ đô với cả nước, vé máy bay, dịch vụ tham quan tại khu điểm du lịch ở Hà Nội. Cụ thể, Tổng Công ty du lịch Hà Nội sẽ giới thiệu tới du khách và các đối tác 3 tour du lịch thăm quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long và tour thưởng thức nghệ thuật rối nước của Nhà hát múa rối Thăng Long.
Ngoài ra, một số công ty như Elite Tour còn tổ chức chương trình giảm giá tới 30% với các tour khởi hành trong tháng 9 và 10. Điển hình như tour Hà Nội - Liên tuyến miền tây – TP Hồ Chí Minh trong 5 ngày 4 đêm có giá hơn 5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn tổ chức hoạt động khuyến mại, giám giá từ 3-8 triệu đồng với các tour quốc tế.
Xin cảm ơn bà!