Các quyết định cưỡng chế có thấu lý đạt tình?
Như Tieudung.vn đã thông tin: Khiếu nại liên quan tới thửa đất 16.776,2m2 tại ấp Gò Tháp, xã Tân Kiều mà gia đình ông Nguyễn Minh Cảnh (ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) đã và đang được các cấp ngành tỉnh Đồng Tháp và dư luận đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Minh Cảnh thất thần sau khi biết ruộng đất bị hủy hoại ngày 23 tháng Chạp. |
Qua các đơn thư, xác nhận của cựu cán bộ địa phương và người dân, từ năm 1989, khi Hội Cựu chiến binh xã gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, sẵn có đất do nông trường giao lại, UBND xã Tân Kiều đã cho các ngành nhận canh tác để gây quỹ. Còn thửa đất trũng, nhiều hầm hố, gia đình ông Cảnh nhận, bỏ nhiều công sức, tiền bạc cải tạo được 16.776,2m2 đất t lúa.
Đang canh tác ổn định, thì vào năm 2012, UBND huyện Tháp Mười bất ngờ thông báo sẽ tổ chức đấu giá cho thuê đất nông nghiệp, trong đó có 16.776,2m2 nói trên. Ông Cảnh cho rằng việc lấy thửa đất gia đình ông khổ nhọc cải tạo, giao cho người khác là bất công và liên tục khiếu nại.
Trong buổi tiếp công dân ngày 9/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã nói rằng đây là trường hợp mà cái tình sâu quá. Sâu, là bởi ông Cảnh là cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống diệt chủng Pol Pot; có anh trai và em trai là liệt sĩ; có mẹ được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng…
Thế nhưng, chỉ trong cùng 1 ngày, 26/1/2018, huyện Tháp Mười bất ngờ ra 02 quyết định cưỡng chế; thời điểm thực hiện chỉ cách Tết Nguyên đán vài ngày (!?)
Ông Nguyễn Văn Châu lo lắng đứng cạnh một tài sản có giá trị để kê biên - chiếc xe Honda Dream. |
Quyết định số 01 là "cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt" để thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 31/QĐ-XPVPHC ngày 26/9/2017 của UBND huyện Tháp Mười đối với ông Nguyễn Văn Châu (55 tuổi, là con trai ông Nguyễn Minh Cảnh) số tiền 4 triệu đồng. Quyết định cưỡng chế 02 là "buộc ông Châu phải khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm; trả lại đất đã chiếm với diện tích 16,776,2m2 tại ấp 1, xã Tân Kiều."
Sự lên tiếng của báo chí, công luận và lãnh đạo tỉnh đã khiến cuộc cưỡng chế ngày 24 tháng Chạp phải dừng lại. Tuy nhiên, hành vi hủy hoại tài sản vẫn xảy ra, khi khoảng 50% diện tích đất lúa đã xuống giống bị phá bỏ ngày 23 tháng Chạp - thời điểm hàng triệu người Việt đang làm mâm cỗ cúng tổ tiên, đưa ông Táo về trời.
Những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng có bị bỏ qua?
Việc ra quyết định cưỡng chế ngay sát Tết Nguyên đán, để xảy ra hành vi hủy hoại tài sản của UBND huyện Tháp Mười đã khiến dư luận phẫn nộ: Tại sao lại cưỡng chế một gia đình có công vào dịp giáp Tết, trái với hướng dẫn của Bộ Tư pháp, trái với truyền thống đạo đức dân tộc? Có không việc tổ chức "cưỡng chế ngầm" trong vụ việc này?
Phương tiện cơ giới sáng 8/2 đã ủi khoảng 50% diện tích đất gia đình ông Cảnh đã xuống giống vào 23 tháng Chạp. |
Tuy vậy, khi UBND tỉnh Đồng Tháp chưa xử lý việc ra quyết định cưỡng chế sát tết, làm rõ hành vi hủy hoại tài sản của các cá nhân, tập thể liên quan, ngày 5/6/2018, Hội đồng cưỡng chế UBND huyện Tháp Mười bất ngờ ra thông báo 28/TB-HĐCC về việc "Tổ chức thực hiện Quyết định cưỡng chế số 01, 02/QĐ-CCXP ngày 26/1/2018 của Chủ tịch UBND huyện".
Thông báo này tiếp tục gây phẫn nộ trong dư luận. Bởi như Tieudung.vn đã thông tin: Cả Quyết định xử phạt hành chính lẫn Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Tháp Mười đối với ông Nguyễn Văn Châu (con trai ông Cảnh) đều có dấu hiệu sai nội dung, sai đối tượng, vì ông Châu không "chiếm đất", không đứng tên khai phá, thuê và sử dụng thửa đất nói trên. Thêm nữa, yêu cầu "khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm" của chính quyền cũng không rõ là khôi phục hiện trạng đất thời điểm nào: Thửa đất trũng, nhiều hầm hồ trước khi gia đình ông Cảnh cải tạo đất năm 1989 hay thửa đất phẳng phiu hôm nay bị buộc giao cho người khác?
Năm 2013, gia đình ông cảnh nộp 27 triệu đồng cho UBND xã Tân Kiều. |
Về quá trình cải tạo, quản lý và sử dụng đất, các đơn thư và các xác nhận của cựu cán bộ địa phương và người dân đều cho thấy gia đình ông Cảnh sử dụng đất từ 1989. Tuy nhiên, chính quyền lại căn cứ vào các hợp đồng thuê đất giữa UBND xã Tân Kiều và ông Cảnh (năm 2002, 2005 và các năm về sau) để khẳng định thửa đất trên là "đất công", để tùy ý lấy lại, đấu giá và cưỡng chế (?).
Về lý do đã canh tác từ 1989, tại sao năm 2005 (16 năm sau) lại ký hợp đồng thuê với UBND xã? Ông Cảnh cho biết là nguồn gốc đất là từ 05 hộ dân khai phá từ 1973. Sau giải phóng, đất bị lấy làm nông trường, rồi bỏ hoang tới khi ông vào cải tạo, canh tác. Khi người dân đòi đất, ông phải ký hợp đồng thuê với UBND xã. Các hộ dân đồng thuận khi biết người tiếp tục cải tạo, sử dụng đất là ông. Ông đề nghị UBND huyện Tháp Mười xem xét cấp GCNQSDĐ; hoặc tiếp tục cho ông thuê đất lâu dài, giá thuê phù hợp; hoặc trả công san lấp, cải tạo đất từ 1989 đến nay.
Thông tin về quá trình khai phá, quản lý, sử dụng đất của gia đình ông Cảnh. |
Có thể thấy việc gia đình ông Cảnh nhận khai phá, cải tạo đất từ 1989 không sai sự thật; Hợp đồng thuê giữa ông Cảnh và UBND xã Tân Kiều chắc chắn có! Tuy vậy, việc UBND huyện Tháp Mười chỉ căn cứ vào hợp động thuê được ký hàng chục năm sau để lấy lại đất, đấu giá và cưỡng chế mà chưa xem xét cấp GCNQSDĐ cho người đã canh tác ổn định, lâu dài gần 30 năm qua theo Luật đất đai, liệu có thấu tình đạt lý?
Thiết nghĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp ngoài việc kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, vi phạm pháp luật trong vụ việc này, cũng cần tìm hiểu quá trình sử dụng đất, bảo vệ quyền và lợi ích của người khai phá đất, vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật có lợi cho người dân. Dân ở đây là một gia đình công, có đóng góp, hi sinh rất nhiều cho Tổ quốc hòa bình, độc lập hôm nay.
Minh Hoan – Chính Trực