Theo quy hoạch, Sân bay quốc tế Long Thành nằm liền kề với tuyến đường lớn trong khu vực như quốc lộ 51, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, vấn đề kết nối từ các tuyến giao thông này vào dự án vẫn đang được các đơn vị liên quan nghiên cứu các phương án.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, ông Trịnh Tuấn Liêm cho biết, để chuẩn bị cho việc kết nối các tuyến đường hiện hữu vào sân bay, Đồng Nai đã chủ động điều chỉnh quy hoạch về giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 2 tuyến đường được quy hoạch gồm tuyến số 1 dài khoản 3,8km nối từ quốc lộ 51 vào Sân bay Long Thành và tuyến số 2 nối từ sân bay ra cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Dự kiến, đây là 2 tuyến đường phía Bắc và phía Nam ra vào sân bay, có nhiệm vụ kết nối sân bay đến các tuyến đường giao thông xung quanh.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đang ngày càng quá tải. |
Theo ông Liêm, cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây hiện nay đang ngày càng quá tải, sau này khi sân bay hoàn thành và đưa vào hoạt động chắc chắn sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông. Do đó, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho mở rộng đường cao tốc này lên 10 – 12 làn xe so với 4 làn như hiện nay.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ triển khai xây dựng đề án giao thông để trình chính phủ phê duyệt, song song với Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng hạ tầng Sân bay Long Thành.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trọng tâm kết nối sẽ là hướng tuyến từ các đô thị lân cận vào Sân bay Long Thành, trong đó các tuyến nối với TP Hồ Chí Minh là quan trọng nhất. Ngoài ra, khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động thì Sân bay Tân Sơn Nhất vẫn được duy trì, đóng vai trò là sân bay quốc nội. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiên cứu một tuyến giao thông kết nối trực tiếp 2 sân bay này với nhau.