|
Báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết liên quan tới giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề này.
Sản xuất nhỏ lẻ, còn nhiều rủi ro
Là người đã gắn bó với công tác Hội nhiều năm qua, ông đánh giá như thế nào về những khó khăn mà bà con nông dân đang gặp phải?
- Sự phát triển đô thị hiện nay khiến quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày một bị thu hẹp. Cùng với đó, việc thiếu vốn đầu tư khiến nhu cầu mở rộng và phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn và công nghệ cao vào sản xuất lại càng hạn chế hơn. Bên cạnh đó, trình độ và khả năng tiếp cận tri thức của đại bộ phận người nông dân hiện chưa cao. Nhưng đó chưa phải là tất cả khó khăn. Sau quá trình tạo ra sản phẩm, bà con nông dân tiếp tục phải đối diện với rào cản lớn hơn, đó là bài toán tiêu thụ. Xét trên cơ chế thị trường hiện nay, đây là nguyên nhân, thậm chí còn có tác động sâu hơn đối với việc kìm hãm phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông đang muốn đề cập tới câu chuyện muôn thuở mà người nông dân thường gặp phải là vấn đề “được mùa mất giá” và ngược lại?
- Chính xác! Thực tế hiện nay cho thấy, sản xuất nông nghiệp của nông dân Hà Nội vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa người sản xuất với nhà tiêu thụ. Điều này dẫn tới việc giá cả nông sản biến động khôn lường và thường diễn biến theo xu hướng bất lợi cho người nông dân. Đợt giá lợn giảm sâu vừa qua là một minh chứng. Thực tế đối với các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn tập trung, có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nhất là có liên kết với các DN tiêu thụ thì giá thịt lợn vẫn cao và hàng hóa đôi khi không có để bán. Trong khi đó, rất nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ lại “đứng ngồi không yên” khi giá lợn bấp bênh. Chỉ riêng tại Hà Nội cũng đã có hàng nghìn hộ nông dân vỡ nợ khi giá lợn giảm quá sâu. Điều này tiếp tục khẳng định, sản xuất nhỏ lẻ và thiếu liên kết luôn chứa đựng rất nhiều rủi ro.
Làm sao để người nông dân vơi nỗi lo “được mùa mất giá” - Ảnh: Internet. |
Tăng cường liên kết “4 nhà”
Từ đầu năm 2017 đến nay, Hội Nông dân TP Hà Nội đã hỗ trợ cho vay đối với 29 mô hình kinh tế từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp với các ngân hàng cho hội viên vay phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 3.200 tỷ đồng. Các cấp Hội tiếp tục duy trì 410 mô hình dịch vụ tư vấn hỗ trợ nông dân; phối hợp với các địa phương tổ chức 1.705 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp; trợ giúp nông dân xây dựng gần 1.200 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp; tổ chức 268 lớp dạy nghề cho gần 11.000 hội viên… Các cấp Hội cũng đã vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia đóng góp gần 9 tỷ đồng, trên 7.000 ngày công lao động và hiến 13.200m2 đất cho xây dựng nông thôn mới. |
Để thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị các ngành hàng nông nghiệp hiện nay, theo ông, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thế nào?
- Nhà nước thông qua các cấp, ban ngành, cần có cơ chế tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn phát triển trên cơ sở quy hoạch các vùng nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào sản xuất là đòi hỏi cấp thiết. Tôi cũng cho rằng, trước yêu cầu ngày một khắt khe của thị trường đối với nông sản an toàn, việc bảo đảm các quy định về sản xuất sạch là rất quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững.
Đối với bài toán thị trường tiêu thụ nông sản, theo ông, cần có giải pháp căn cơ nào để bà con nông dân vơi bớt nỗi lo, yên tâm sản xuất?
- Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, mà đối với các ngành kinh tế, xu hướng “chuyên môn hóa” đang trở nên phổ biến. Điều này có nghĩa là mỗi tổ chức, đơn vị cá thể sẽ tham gia vào một công đoạn của quá trình đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Theo đó, để bà con không còn lo lắng với bài toán đầu ra, giải pháp hiện nay là cần xây dựng được những chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hay nói cách khác là tạo được liên kết giữa “4 nhà”: Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà DN. 4 thành tố này có chức năng, nhiệm vụ riêng, khi cấu thành tạo nên một chuỗi liên kết bảo đảm hiệu quả quy trình sản xuất và giải quyết được căn cơ bài toán tiêu thụ.
Để tạo được liên kết “4 nhà”, cái khó nhất hiện nay là kêu gọi sự tham gia của khối các DN vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vai trò của Nhà nước cũng chính là nằm ở khía cạnh này. Chỉ khi tạo được liên kết chuỗi giúp việc tiêu thụ nông sản hàng hóa dễ dàng, bà con mới có thể yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Trọng Tùng thực hiện