PV: Sự việc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng vừa trình dự thảo nghị quyết dùng ngân sách chi trả đến 200 triệu để hỗ trợ cho cán bộ nhường ghế lại cho cán bộ trẻ, luật sư nghĩ về việc này như thế nào?
Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi nghĩ, đây là một cú “đột phá” trong lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương Đà Nẵng. Sự “đột phá” này rất được dư luận quan tâm bởi nó chưa từng có tiền lệ bỏ tiền ra để hỗ trợ việc tự xin thôi việc để nhường ghế lãnh đạo địa phương.
Nghị quyết này mang một mục đích tốt là tạo điều kiện cho lớp trẻ, những người được đào tạo bài bản, có cơ hội phụng sự trong vai trò chủ chốt các ngành ở địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khi ban hành một nghị quyết để thực hiện chính sách ở địa phương thì phải cân nhắc các qui định pháp luật quốc gia có phù hợp hay không mới trình nghị quyết.
![]() |
Luật sư Trần Đình Dũng. |
Như vậy, theo luật sư, dự thảo nghị quyết của Sở Nội vụ Đà Nẵng có phù hợp với pháp luật không?
Tôi xin nói thẳng, dùng ngân sách trả 200 triệu để “mua” ghế lãnh đạo địa phương ở Đà Nẵng là trái pháp luật!
Ngân sách nhà nước được chi dụng ra sao đã có nhiều văn bản luật điều chỉnh chặt chẽ. Các khoản chi ngân sách được qui định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các khoản chi tại địa phương gồm: Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, chi hỗ trợ các Hội đoàn khác; Chi Sự nghiệp giáo dục, Sự nghiệp khoa học, Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình, Sự nghiệp văn hóa, Sự nghiệp thể dục thể thao, Sự nghiệp bảo vệ môi trường; Chi các hoạt động kinh tế; Chi quốc phòng, an ninh; Chi bảo đảm xã hội, bao gồm các trại xã hội, cứu tế xã hội, cứu đói, phòng chống các tệ nạn xã hội và các chính sách an sinh xã hội khác; thực hiện các chính sách xã hội đối với các đối tượng do địa phương bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Ngoài các khoản chi theo liệt kê của luật ra, ngân sách không được dùng chi cho bất kỳ khoản nào khác. Để quán triệt việc chi ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần luật định, ngày 30 tháng 12 năm 2016 Bộ tài chính ban hành Thông tư số 342/2016/TT-BTC để chi tiết từng khoản thu chi ngân sách.
Một số ý kiến cho rằng, nhiều cán bộ đầu ngành ở các địa phương không chịu rời vị trí làm cho lớp trẻ có năng lực, như vậy lớp trẻ sẽ không thể phát triển được. Nên chăng có một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho họ “lùi” lại phía sau để nhường chỗ?
Không thể chấp nhận những ý kiến như thế. Chúng ta quản trị xã hội bằng luật pháp thông qua tổ chức nhà nước. Các hoạt động của công chức nhà nước về bổ nhiệm, bãi nhiệm, xin thôi chức, điều chuyển công tác… đều tuân theo qui định pháp luật. Hoạt động nhà nước chứ không phải nội bộ một doanh nghiệp mà tùy tiện thỏa thuận “sang nhượng” chức tước để rồi lấy ngân sách ra “trả thưởng”. Nếu như một cán bộ đầu ngành hay bất kỳ một công chức nào khác thôi việc theo nguyện vọng thì được hưởng chế độ theo Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Nghị định 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
Không phải vì phát triển nhân sự địa phương, vì mục đích có thể nói là tốt, hợp lý, mà không tuân thủ luật định, tùy tiện sử dụng ngân sách nhà nước.
Tôi cũng lưu ý thêm, Luật Ngân sách nhà nước Điều 18 về Các hành vi bị cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, có qui định cấm “Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật”. Vì vậy tôi cho rằng cơ quan chức năng cần phải có chỉ đạo dừng nghị quyết “dùng ngân sách trả 200 triệu hỗ trợ lãnh đạo địa phương ở Đà Nẵng xin thôi việc”. Nó tạo ra một tiền lệ phá vỡ nguyên tắc chi ngân sách, gây bất bình dư luận trong nhân dân.
Xin cảm ơn luật sư!
Hà Nam (thực hiện)