Cúng ông Công, ông Táo và quan niệm dân gian của người Việt
Theo quan niệm dân gian của người Việt, trong gian bếp của mỗi gia đình có ba vị thần canh giữ. Những người này được gọi là Táo quân chuyên trông coi, định đoạt vận may rủi, phúc họa cho gia chủ. Ngoài ra, các vị Táo quân còn giúp ngăn cản sự xâm phạm của các thế lực xấu, giữ yên bình cho các thành viên trong gia đình.
Do vậy, hàng năm người dân Việt thường tổ chức cúng ông Táo vào dịp cuối năm.
Cúng ông Công ông Táo giờ nào chuẩn nhất?
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi, ngày 23 tháng Chạp năm nay, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào khung giờ: 5h-7h hoặc 9-11h.
Chuyên gia lý giải: 5-7h sáng ngày 23 là giờ Mão - giờ Đại An.
Cúng Táo quân vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí gia chủ.
9-11h ngày 23 là giờ Tỵ. Đây là giờ Tốc Hỷ. Tiễn Táo quân lên chầu trời vào khung giờ này, Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải.
Bên cạnh đó, chuyên gia phong thủy còn khuyên mọi người cần phải làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.
Trong buổi cúng tiễn ông Táo về trời, gia chủ có thể chuẩn bị cỗ chay hoặc mặn. Lễ vật chuẩn bị bao gồm: Cá chép, gà luộc, xôi trắng (có thể thay bằng xôi gấc, bánh chưng), thịt lợn luộc, tiền vàng, trầu cau, nước, rượu, trà và trái cây…
Ngoài ra, trong buổi lễ gia chủ phải chuẩn bị 3 bộ mũ áo có hoa văn khác nhau, trong đó có đồ dành cho 2 vị thần nam, 1 vị thần nữ.
Một số lưu ý khi bạn tiến hành làm lễ cúng ông Công và ông Táo như sau:
- Lễ vật để cúng thì cần phải lưu ý về màu sắc của mũ, áo cũng như hia hài của các táo (tuỳ thuộc vào ngũ hành của năm đó). Ví dụ năm 2020 ngũ hành là Thổ...thì chủ về các màu như vàng, nâu, tím, đỏ...là thích hợp.
- Nếu đã cúng cá chép sống thì không nên cúng thêm cá chép giấy và ngược lại.
- Sau khi bạn mua cá chép sống về thì bạn nên thả cá chép vào một chiếc bát có chứa nước sạch, cũng có thể cho thêm một vài cọng rong rêu nhỏ vào bát nếu như muốn để lâu, và khi cúng thì để bát cá chép sống ở cạnh bên mâm cỗ cúng. Khi thả cá thì tìm nơi ao hồ sông suối sạch để thả và nhớ đừng ném cả bao hay túi nilon xuống hồ cùng cá gây ô nhiễm.
- Cách thả cá: dùng hai tay nâng bát hoặc bao đựng cá, đỡ và thả để cá từ từ bơi ra ngoài, tránh thả cá kiểu ném quăng ra hồ ao không mang tính tôn nghiêm.
Tóm lại, những lễ vật chuẩn bị để cúng ông Công ông Táo về trời không nhất thiết phải quá long trọng và linh đình, bởi quan trọng nhất ở đây là gia chủ phải có tấm lòng thành là được. Việc khấn cúng nếu không sử dụng bài cúng ông Công ông Táo theo mẫu văn khấn thì cứ khấn cúng nôm theo tâm ý của bản thân với sự thành tâm kính ý là tốt.