Nhiều ha đất của Công ty CP cao su Đồng Phú đang bị tàn phá nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, khiến diện tích này không còn khả năng sử dụng. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là đơn vị chủ quản vẫn "chưa biết" và chưa có biện pháp ngăn chặn.
Gần 4 ha đất trồng cao su biến thành ao sâu
Nhà nước giao đất để trồng cao su, nhưng khoảng 4 ha đất tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước - thuộc Công ty CP cao su Đồng Phú - đã bị hủy hoại nghiêm trọng, không còn khả năng khôi phục.
Theo ghi nhận tại hiện trường, diện tích đất này bị đào sâu đến 4 m, ước tính lượng đất khổng lồ lên tới 160.000 m³ đã bị lấy đi. Dấu vết khai thác vẫn còn rất mới, cho thấy hành vi khai thác khoáng sản trái phép vẫn đang diễn ra.
Dấu vết khai thác còn rất mới
Không chỉ đất đai bị tàn phá, hàng trăm nghìn m³ đất có giá trị nhiều tỷ đồng cũng đã bị chiếm đoạt. Dù vậy, hoạt động khai thác vẫn không có dấu hiệu bị ngăn chặn.
Người dân địa phương cho biết, hoạt động khai thác trái phép đã diễn ra nhiều năm qua, với sự tham gia của nhiều cá nhân và tổ chức. Các đoàn xe tải, xe ben, xe đầu kéo cùng nhiều máy móc đã liên tục hoạt động tại khu vực này. Điều khó hiểu là dù hoạt động này diễn ra công khai, nhưng không thấy cơ quan chức năng hoặc lãnh đạo Công ty CP cao su Đồng Phú can thiệp.
Trước đó, tỉnh Bình Phước đã tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản trái phép dưới sự chỉ đạo của bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, tại hiện trường vụ việc, dấu vết khai thác vẫn còn rất mới.
Một góc chụp khác tại hiện trường thể hiện dấu vết khai thác còn rất mới, lượng đất mới vừa lấy đi cũng rất lớn
Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích, nhưng Công ty CP cao su Đồng Phú lại để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trong nhiều năm. Diện tích đất bị tàn phá không thể phục hồi, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Công ty, cho Nhà nước khi đất không được sử dụng đúng mục đích.
Tổng Giám đốc Công ty CP cao su Đồng Phú, ông Hồ Cường, khi được phóng viên liên hệ, chỉ trả lời ngắn gọn: "Để mình hỏi lại".
Khoảng 4 ha đất đang bị hủy hoại nghiêm trọng
Trao đổi về vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản tại địa phương, ông Phạm Đức Tín, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: "Khu đất thuộc nông trường cao su Tân Lập được giao cho Công ty CP cao su Đồng Phú trồng cao su, nên xã không thể quản lý sâu. Đây không phải là mỏ đất được cấp phép khai thác, việc khai thác khi chưa có sự chấp thuận từ cơ quan chức năng là hành vi trái phép. Chúng tôi đã yêu cầu phía công ty ngừng ngay việc khai thác."
Trách nhiệm thuộc về ai?
Diện tích 4 ha đất bị khai thác trái phép không chỉ là tài sản của Nhà nước, mà còn là tài nguyên quý giá phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng quản lý từ phía doanh nghiệp đã dẫn đến sự lãng phí lớn về tài nguyên đất.
Ai sẽ chịu trách nhiệm khi 4 ha đất này bị hủy hoại, thu lợi trái phép?
Sự thờ ơ của Công ty CP cao su Đồng Phú khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ và sử dụng đất đúng mục đích. Vụ việc cần được các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm để bảo vệ nguồn tài nguyên của quốc gia.
Công ty CP cao su Đồng Phú
Công ty CP Cao Su Đồng Phú (Doruco) có trụ sở tại xã Thuận Phú - Huyện Đồng Phù - Tỉnh Bình Phước, tiền thân là đồn điền Thuận Lợi của Công ty Michelin – Pháp, được hình thành vào khoảng tháng 6/1927. Đến ngày 21/05/1981, Công ty Cao su Đồng Phú – doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng Cục Cao su Việt Nam chính thức được thành lập. Đến ngày 28/12/2006, công ty được chuyển đổi thành Công ty CP cao su Đồng Phú với vốn điều lệ ban đầu 400 tỷ đồng. Cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn giao dịch Sở chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30/11/2007, mã chứng khoán DPR.