Ngày 8/1, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội thông tin, đơn vị vừa triệt phá thành công một đường dây lưu hành tiền giả để mua điện thoại di động, đồng thời khởi tố 4 đối tượng liên quan...
Dùng tiền giả đặt mua điện thoại qua mạng
Trước đó, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với: Triệu Đình Lợi (SN 1987, trú tại xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi "Cướp giật tài sản" và "Lưu hành tiền giả"; Dương Quốc Sơn (SN 1990) về hành vi "Cướp giật tài sản", Triệu Đình Thọ (SN 1988) cùng ở địa chỉ trên về hành vi "Tàng trữ tiền giả", Trịnh Thế Nam (SN 1993, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông) về hành vi "Lưu hành tiền giả".
|
Nhóm đối tượng dùng tiền giả mua điện thoại, cướp tài sản đã bị công an bắt giữ. |
Chỉ huy Phòng CSHS Công an TP Hà Nội cho hay, trong thời gian vừa qua trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hà Đông, huyện Thanh Trì (Hà Nội) liên tiếp xảy ra các vụ án cướp giật tài sản, lưu hành tiền giả.
Thủ đoạn các đối tượng lên mạng xã hội tìm cửa hàng điện thoại di động rồi đặt mua và yêu cầu giao hàng đến các địa điểm vắng vẻ, ít người qua lại. Sau đó, đối tượng dùng tiền Việt Nam giả giao dịch mua điện thoại. Nếu người giao hàng phát hiện tiền giả thì các đối tượng sẽ cướp giật tài sản, rồi lên xe máy tẩu thoát.
Xét tính chất và hành vi gây án của các đối tượng rất manh động, nguy hiểm, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tập trung lực lượng tổ chức điều tra, truy bắt nhóm đối tượng trên. Sau thời gian tích cực điều tra, Phòng CSHS đã làm rõ các đối tượng và hành vi phạm tội.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, vào khoảng tháng 11/2018, Triệu Đình Lợi nhờ Trịnh Thế Nam mua tiền giả với mục đích để sử dụng mua điện thoại di động thông qua hệ thống bán hàng trên mạng xã hội. Nam đã mua giúp Lợi 3 triệu đồng tiền thật được 10 triệu đồng tiền giả. Sau khi có tiền giả, các đối tượng dùng để trả cho nhân viên giao hàng, hoặc lợi dụng sơ hở của nhân viên giao hàng sẽ cướp giật rồi tẩu thoát.
Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện trót lọt 4 vụ cướp giật điện thoại di động. Cụ thể, vào ngày 17/11/2018, Lợi gọi điện thoại đến tổng đài Siêu thị điện máy ở quận Hà Đông, rồi dùng tên giả đặt mua 1 chiếc điện thoại SamSung A6 với giá 5,2 triệu đồng và yêu cầu giao hàng đến đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Vào khoảng 20 giờ cùng ngày, nhân viên giao hàng đến điểm hẹn thì Lợi cùng Sơn yêu cầu người này đi sâu vào trong ngõ để kiểm tra hàng. Lợi dụng lúc nhân viên giao hàng mất cảnh giác, các đối tượng đã cầm điện thoại di động nhảy lên xe máy bỏ chạy. Các đối tượng đem bán chiếc điện thoại được 4 triệu đồng và mua ma túy để sử dụng. Tiếp đó, vài ngày sau, vào ngày 22/11/2018, cũng bằng phương thức cũ các đối tượng đã mua chiếc điện thoại di động nhãn hiệu OPPO và thanh toán 7,7 triệu tiền giả cho nhân viên…
|
Phòng CSHS Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân, chủ các cửa hàng kinh doanh cần nâng cao cảnh giác trước hoạt động tội phạm lưu hành tiền giả, cướp và cướp giật. Ảnh minh họa. |
Người dân cần đề cao cảnh giác
Cũng với thủ đoạn như trên, nhóm đối tượng gây ra liên tiếp các vụ việc khác. Cụ thể, vào ngày 11/11, tại đường Nguyễn Xiển và ngày 2/11. Những đối tượng đã dùng hơn 10 triệu đồng tiền giả để mua 2 chiếc điện thoại di động.
Ngoài việc sử dụng tiền giả mua điện thoại di động rao bán trên mạng xã hội, Lợi còn cho Triệu Đình Thọ 2 triệu đồng tiền giả để dùng vào việc trả nợ, nhưng Thọ chưa kịp sử dụng thì bị cơ quan công an bắt giữ. Theo Phòng CSHS, đối tượng Triệu Đình Lợi đã có 1 tiền án, 1 tiền sự; Triệu Đình Thọ có 1 tiền án.
Chỉ huy Đội Chống tội phạm cướp và cướp giật tài sản (Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) cho biết: Dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng thường lợi dụng sơ hở của người dân và các cửa hàng để lưu thông tiền giả và cướp giật tài sản. Do vậy, mọi người dân và các chủ kinh doanh cần đề cao cảnh giác khi giao dịch hàng hóa.
Cũng theo cơ quan công an khuyến cáo: Khi các đối tượng mua hàng qua mạng xã hội yêu cầu giao hàng vào lúc trời tối, tại khu vực vắng vẻ, hoặc thay đổi địa điểm nhiều lần, nên có phương án đề phòng tránh mắc bẫy kẻ xấu. Khi giao dịch cần kiểm tra tiền thật kỹ lưỡng và nên đi giao hàng ở nơi đông người qua lại, với nhiều người đi cùng, qua đó nhằm phòng trừ hoạt động của các đối tượng tội phạm.