Giữ vị trí thứ 2 trong danh sách, cơm tấm được giới thiệu là "món ăn truyền thống của Việt Nam" với nguyên liệu chính là tấm, một loại gạo vỡ trong quá trình sản xuất.
Theo truyền thống, người ta thường loại bỏ chúng sau quá trình xay xát nhưng ngày nay, đây là món ăn đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Chuyên trang ẩm thực mô tả cơm tấm thường được ăn kèm cùng nhiều loại topping (món ăn kèm) như sườn heo nướng, trứng chiên, bì lợn xé sợi hoặc chả cá chiên. Thực khách có thể ăn kèm cà chua thái lát, dưa chuột, rau chua, mỡ hành và nước mắm.
Trước đó, cơm tấm từng xếp thứ 40 trong danh sách 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới được TasteAtlas công bố hồi tháng 5.
Trong khi đó, Nasi goreng ayam - cơm chiên truyền thống của Indonesia đã giành được vị trí đầu bảng. Bên cạnh Indonesia, món ăn này còn khá phổ biến ở Singapore, Brunei và Malaysia.
Bánh bèo, món ăn được làm từ bột gạo của Việt Nam, xếp ở vị trí thứ 14. Đây là loại bánh hấp phổ biến với nhân tôm, thịt lợn ăn cùng nước mắm. Thực khách có thể thêm lạc rang, hành phi vào bánh để tăng thêm hương vị. Ngoài bánh mặn, bánh bèo còn có phiên bản ngọt gần như chỉ có ở Hội An, Taste Atlas giới thiệu.
Xếp ở vị trí thứ 17 và 25 lần lượt là món bánh tét và bánh chưng.
Nhiều món ăn khác của Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách này như cơm lam (xếp thứ 30), xôi gà (31), cơm cháy (33), xôi mặn (43), xôi gấc (44), xôi cốm (46), bánh tẻ (52), cơm hến (54), cơm nắm (58), cơm dừa tép rang (62), xôi ngũ sắc (63), xôi vò (66), cơm gà Tam Kỳ (70),…
Được thành lập vào năm 2015, Taste Atlas (trụ sở chính tại Zagreb, Croatia) được biết đến như một tấm bản đồ tập hợp các món ăn truyền thống từ khắp thế giới.
Theo Matija Babić, nhà sáng lập Taste Atlas, các danh sách xếp hạng món ăn, đồ uống đều dựa trên ý kiến và đánh giá từ các chuyên gia, nhà phê bình ẩm thực để đảm bảo độ tin cậy của giải thưởng.