Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cảnh báo, nếu không có các biện pháp quyết liệt, quỹ BHYT có thể bội chi đến 5.000 tỉ đồng.
Thông tin được đưa ra tại toạ đàm “Giải pháp để quản lý hiệu quả quỹ BHYT, BHXH” vừa diễn ra.
Ông Sơn cho biết, tính đến tháng 6/2016, cả nước đã có trên 80% dân số tham gia BHYT, vượt kế hoạch Chính phủ giao.
Trong 6 tháng, quỹ BHYT đã chi trên 30.300 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2015. Trong đó qua xácminh có 37 tỉnh, thành bội chi quỹ BHYT hơn 3.400 tỉ đồng.
Ông Phạm Lương Sơn lo lắng về tình trạng trục lợi quỹ BHYT |
Tính chung cả nước, từ nay đến cuối năm có thể bội chi thêm hơn 1.600 tỉ nữa, nâng tổng bội chi BHYT2016 lên 5.000 tỉ đồng.
Theo ông Sơn có 3 nguyên nhân chính làm bội chi quỹ BHYT: Thứ nhất tăng cơ học về số người tham gia BHYT, thứ 2 là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, khiến quỹ tăng thêm khoảng 3.000 tỉ đồng, thứ 3 là do thực hiện thông tuyến, dẫn đến tăng 1.400 tỉ đồng.
Ngoài ra có nhóm nguyên nhân khác tăng 1.000 tỉ đồng như sử dụng dịch vụ kỹ thuật mới, đưa vào một số thuốc bất hợp lý.
Ông Sơn chỉ rõ, tình trạng trục lợi quỹ BHYT thời gian qua đến từ cả 3 phía gồm người bệnh, cơ sở y tế và từ chính cán bộ ngành BHYT.
Cụ thể, về phía người bệnh, người chưa tham gia BHYT nhưng mượn thẻ người khác đi khám chữa bệnh hoặc chỉ tham gia khi đã có bệnh hoặc bệnh nặng.
Trường hợp nữa là sử dụng giấy tờ không đúng quy định, thực tế đã phát hiện thẻ BHYT giả, giấy tờ tuỳ thân giả với mục đích tránh đóng các chi phí đáng ra phải trả.
Thứ ba, người bệnh tận dụng thẻ BHYT bằng cách đi khám rất nhiều lần để lấy thuốc về nhưng sử dụng thuốc không đúng mục đích.
"Câu chuyện chỉ xảy ra với một vài cá nhân, nhưng cũng rất chua xót khi phát hiện có nhà dùng thuốc BHYT được lĩnh về cho cá ăn", ông Sơn chia sẻ.
Về phía cơ sở khám chữa bệnh trục lợi có cả bệnh viện công và tư. Tuy nhiên phát hiện cơ sở y tế tư nhân dễ hơn do hoạt động theo doanh nghiệp, phổ biến nhất là tình trạng lạm dụng xét nghiệm, thuốc, lập bệnh án khống...
Bày tỏ thái độ kiên quyết, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam sẽ có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn đối với những hành vi trục lợi BHYT.
Dùng "vỡ quỹ", "thủng quỹ" dễ gây hiểu nhầm
Tại toạ đàm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH cho biết, nếu vẫn giữ nguyên cơ chế và mức đóng - hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của Quỹ Khám chữa bệnh, khả năng mất cân đối với quỹ BHYT sẽ xảy ra vào năm 2019, quỹ BHXH vào năm 2037.
Ông Lợi chỉ ra việc đóng ít, hưởng nhiều là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân đối quỹ BHXH.
“Hiện người lao động đóng BHXH đủ được chế độ trong 14 năm kể từ khi nghỉ hưu nhưng thực tế người lao động sống trung bình tới 23,5 năm sau khi nghỉ hưu. Như vây Nhà nước phải bù thêm 8%”, ông Lợi phân tích.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định quỹ BHYT, BHXH không thể vỡ |
Chưa kể, khi tham gia BHXH trong 15 năm, mức hưởng tương ứng chỉ khoảng 37% lương trung bình nhưng thực tế nâng lên tới 45% để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân.
Do đó tổng mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn tổng mức đóng khiến kết dư quỹ BHXH đang giảm dần.
“Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi”, ông Lợi lo lắng.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh, quỹ BHXH không thể vỡ: “Cả 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý của Nhà nước. Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm".
Để giải quyết tình trạng mất cân đối quỹ, ông Lợi cho rằng cần tính tới phương án người đóng ít sẽ hưởng ít và ngược lại. Đồng thời cần có thêm các chính sách khác như hưu trí bổ sung, khi về hưu có 2 lớp lương hưu.