Ngày 13/4, mạng xã hội lan truyền bài viết có nội dung chủ vườn lan H.T. (ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỏ trốn cùng khoảng 200 tỷ đồng của người mua bán hoa.
Theo ghi nhận, có gần 4.000 lượt bày tỏ cảm xúc, gần 10.000 lượt bình luận và chia sẻ của cư dân mạng cho thấy thông tin này đã gây chấn động tới cộng đồng những người chơi hoa lan đột biến.
Theo Dân Việt, khi liên hệ tới 2 số điện thoại của chủ vườn lan bị phản ánh "ôm" 200 tỷ đồng tiền của khách rồi bỏ trốn thì đều không liên lạc được.
Chủ tài khoản của một Facebook chia sẻ trên diễn đàn hoa lan đột biến về vụ việc chủ một vườn lan ở xã Hoài Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội "ôm" 200 tỷ đồng của khách bỏ trốn
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Như Tuyển, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, cho biết chính quyền xã đã nắm được thông tin vụ việc và cử công an xã xuống hiện trường xác minh.
"Công an xã đi đến vườn lan nhưng chưa ghi nhận được sự việc trên. Vườn lan vẫn mở cửa bình thường, bố mẹ chủ vườn vẫn ở nhà", vị lãnh đạo xã nói và cho biết đến sáng 13/4, chính quyền chưa nhận được bất kỳ đơn trình báo nào của người dân về sự việc trên.
Theo nhà chức trách, vườn lan H.T. kinh doanh hoa theo kiểu hộ gia đình và đã hoạt động được thời gian dài.
Vị chủ tịch xã cũng cho hay, UBND xã sẽ tiếp tục theo dõi sát thông tin phản ảnh trên, nếu có bất kỳ sự việc nào xảy ra thì công an xã sẽ vào cuộc.
Cũng liên quan đến vụ việc nêu trên, chủ 1 vườn lan ở xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) có tên trùng với vườn lan bị tố "ôm" 200 tỷ của khách bỏ trốn đã đăng tải thông tin khẳng định không phải là vườn lan của mình là lừa đảo "ôm" tiền bỏ trốn.
Qua trao đổi với báo chí, chủ vườn lan này cho biết, sau khi biết được thông tin về một vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) bị tố lừa đảo "ôm" 200 tỷ của khách bỏ trốn lại có tên giống với vườn lan của mình, nên đã đăng tải thông tin khẳng định không có bất kỳ liên qua gì đến vườn lan bị tố lừa đảo như trên một số diễn đàn phản ánh.
Thời gian gần đây rộ lên các vụ chuyển nhượng, mua bán hoa lan đột biến lên đến hàng tỷ đồng, lan đột biến bán giá hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó cũng xảy ra các vụ bán hoa lan đột biến giả hoặc các vụ trộm cắp hoa lan đột biến tiền tỷ.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn. Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành tạm giữ 11 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan Phi Điệp đột biến trên địa bàn. Công an Hòa Bình cũng vừa phá chuyên án bắt 5 đối tượng về hành vi lừa đảo trên.
Có thể thấy, việc mua bán hoa lan giá trị lớn nhưng không có sự kiểm soát của cơ quan nhà nước đã tạo nên "bong bóng đầu tư" dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp, có dấu hiệu biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật, gây mất ổn định xã hội.