Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Lan Hương - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch MTTQ Thành phố; Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội; Phạm Khắc Tuấn – Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
|
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và công nhân lao động Hà Nội |
Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện các ban Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, UBND, HĐND thành phố, lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của thành phố, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện, ngành, CĐ cấp trên cơ sở; lãnh đạo một số doanh nghiệp trong KCN Nội Bài. Đặc biệt, dự buổi đối thoại có hơn 1000 công nhân lao động đại diện cho hơn 1,5 vạn CNLĐ đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội.
Giải quyết nhiều kiến nghị của công nhân
Tại Hội nghị, ông Phạm Khắc Tuấn, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội báo cáo tình tình thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố sau Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và đại biểu Đại hội Công đoàn Thành phố Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2018-2023.
Theo đó, sau Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Thành phố và đại biểu Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023, UBND Thành phố đã có thông báo số 472/TB-ƯBND ngày 14/5/2018 giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phuơng, đơn vị trực thuộc Thành phố giải quyết kiến nghị cho người lao động trên địa bàn Thành phố gồm 41 nhiệm vụ (18 nhiệm vụ của 6 huyện trùng nhau). Đến nay các Sở, ngành, địa phương đã thực hiện được 13 nhiệm vụ, 10 nhiệm vụ đang giải quyết…
Một số vấn đề nổi bật liên quan trực tiếp tới đời sống công nhân lao động đã được các sở ban ngành TP giải quyết như: bổ sung máy ATM trong các khu công nghiệp; sửa chữa, khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ, xứ lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai; rà soát, lắp đặt tăng cường hệ thống mạng không dây (WIFI) miễn phí tại khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp tạo điều kiện để công nhân lao động tiếp cận thông tin phục vụ đời sống văn hóa tỉnh thần và trau dồi, nâng cao kiến thức;
Rà soát các điềm xung đột giao thông, có nguy cơ gây ùn tắc tại khu vực nút giao Bắc Thăng Long - Đường 5 kéo dài, triển khai lắp đặt hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc độ,... đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực; kiểm tra, rà soát chấn chính nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trạm y tế cấp cơ sở, đặc biệt là khu vực tập trung đông công nhân lao động tại các khu công nghiệp; thành lập các Trạm y tế tại các khu công nghiệp…
Kiến nghị TP tạo điều kiện để công nhân lao động mua nhà ở xã hội
Trước khi công nhân lao động trực tiếp đặt câu hỏi đối thoại với Chủ tịch UBNDTP, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến đã báo cáo trước hội nghị một số ý kiến, đề xuất được LĐLĐ Thành phố tổng hợp qua khảo sát từ công nhân lao động trước buổi đối thoại. Cụ thể, về vấn đề đời sống, việc làm của công nhân lao động có 214 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Thành phố tạo điều kiện để công nhân lao động được mua nhà tại dự án nhà ở xã hội khu đô thị mới Kim Chung (Đông Anh); Đẩy nhanh xây dựng đề án, bố trí quỹ đất, nguồn lực triển khai để đáp ứng nhu cầu nhà ở, nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân lao động và con công nhân lao động đang làm việc trong KCN - CX Hà Nội; Đảm bảo an toàn cho công nhân lao động thuê nhà tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung, do hệ thống thang máy chưa được kiểm định an toàn, thường xuyên hỏng hóc, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy không hoạt động...
|
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến |
Về vấn đề giao thông có 55 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Đề nghị Thành phố có các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại Cụm Công nghiệp Phú Mãn (Quốc oai), Khu công nghiệp Quang Minh (Mê linh), khu vực Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh); Có giải pháp ngăn chặn tình trạng xe tải nặng đỗ tràn lan trên Tỉnh lộ 80 và đường vào KCN Thạch Thất – Quốc Oai và tình trạng ngập úng tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai; Lắp đặt nhà chờ xe buýt tại KCN Phú Nghĩa phục vụ CNLĐ thuận tiện đi lại…
Về vấn đề thực hiện Chính sách đối với công nhân lao động có 264 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Đề nghị giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH và kinh phí Công đoàn tại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân lao động; Đề nghị khám sức khỏe theo chế độ BHYT vào cả thứ 7, chủ nhật; Tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân lao động về thủ tục giải quyết tai nạn lao động liên quan đến giao thông; Cần có chính sách hỗ trợ, động viên đội ngũ công nhân lao động có tay nghề cao, công nhân giỏi, như: hỗ trợ mua nhà ở, hỗ trợ các dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề…
Về Quan hệ lao động và giải quyết thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, công nhân lao động có 36 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và CNLĐ khi giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến lĩnh vực BHXH, lao động; Tăng cường công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm về pháp luật lao động, BHXH, Luật Công đoàn đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động…
Về đảm bảo tình hình an ninh trật tự có 25 ý kiến, kiến nghị tập trung vào các nội dung: Cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng “Tín dụng đen” tại các khu nhà trọ công nhân, các khu công nghieeph và chết xuất; Đảm bảo an ninh, an toàn cho công nhân lao động ở Khu công nghiệp Bắc Thăng long, đặc biệt là tại các trạm rút tiền (ATM).
Đề nghị Thành phố có biện pháp xử lý hoạt động cho vay nặng lãi
Tại buổi đối thoại, công nhân Nguyễn Quang Đông, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam nêu hiện trạng người dân tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) vẫn đang phải sử dụng nước ngầm phục vụ sinh hoạt, không đảm bảo sức khỏe, đề nghị thành phố cung cấp nguồn nước sạch về khu vực Sóc Sơn.
Anh Nguyễn Quang Đông cũng phản ánh, nhiều người lao động tại Khu công nghiệp Nội Bài đến từ nhiều địa phương khác đang tạm trú, không xin được cho con học tại các trường công lập vì không có hộ khẩu thường trú, đề nghị thành phố có quy định và chính sách cụ thể đối với ngành giáo dục hoặc xây dựng trường lớp đáp ứng nhu cầu cho con đi học tại trường công lập của người lao động đang làm việc ở khu công nghiệp trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, đề nghị thành phố xây chung cư giá rẻ bán trả góp cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn huyện Sóc Sơn; kiến nghị mở thêm cổng phụ tại phía đông Khu công nghiệp Nội Bài để tránh ách tắc; kiến nghị cải thiện chất lượng khám chữa bệnh cấp xã…
Công nhân Nguyễn Văn Minh - Công ty Cannon Việt Nam kiến nghị TP quan tâm đến vấn đề nhà ở của công nhân, trong đó, tạo điều kiện hỗ trợ để công nhân được đến thuê và sinh sống tại khu nhà ở dành cho công nhân tại xã Kim Chung.
Nữ công nhân Trần Thị Thu Hường - Công ty CP Tập đoàn Haprosimex đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo đơn vị giải quyết dứt điểm những kiến nghị về quyền lợi của người lao động. Cụ thể, hiện công ty đã cổ phần hoá 2 năm nhưng quyền lợi của người lao động như về tiền lương, BHXH không được giải quyết.
|
Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội năm 2019 |
Chị Lan Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thời trang Star (KCN Phú Nghĩa) đề xuất, kiến nghị làm nhà chờ xe buýt trước cổng Kkhu công nghiệp Phú Nghĩa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động; Các bệnh viện, bảo hiểm làm việc cả thứ 7, chủ nhật để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người lao động.
Ông Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên nêu ý kiến về vấn đề tiền lương của giáo viên mầm non. Cụ thể, ở một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, giáo viên mầm non ra trường từ những năm 2009 được trả lương theo bằng cấp đã học, ví dụ bằng Đại học có mức lương khởi điểm 2,34 mà giáo viên mầm non thành phố Hà Nội lại chỉ được trả mức lương khởi điểm trung cấp là 1,86.
Như vậy những giáo viên có bằng cao đẳng đại học, Thạc sỹ… rất thiệt thòi, không khuyến khích được giáo viên nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa giáo viên. Đề nghị lãnh đạo TP quan tâm đến nguyện vọng này của giáo viên.
Anh Cấn Việt Hùng - Phó chủ tịch Công đoàn Trung tâm Thông tin văn hóa huyện Thạch Thất: Hiện nay trên địa bàn Thành phố có bao nhiêu nhóm hoạt động cho vay nặng lãi hoạt động theo kiểu tín dụng đen. Tệ nạn cho vay nặng lãi núp bóng tín dụng đen, cầm đồ hoạt động công khai gây bức xúc trong công nhân lao động. Công nhân mong muốn các cấp, ban ngành chức năng tăng cường vào cuộc quyết liệt xử lý nhằm xóa bỏ tệ nạn này. Thành phố có những biện pháp gì để xử lý hoạt động cho vay nặng lãi này?
Ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV may mặc Viet Pacific thay mặt công nhân ngành Dệt May Hà Nội kiến nghị lãnh đạo Thành phố quan tâm đề xuất với các bộ, ngành Trung ương và chỉ đạo các cơ quan chức năng thành hố tạo cơ chế phù hợp, đầu tư quỹ đất cho các doanh nghiệp Dệt May có đông lao động, sản xuất kinh doanh ổn định, có nhiều đóng góp vào ngân sách địa phương, thành phố được thuê hoặc mua đất để xây dựng nhà trẻ nhà ăn ca nhà tập thể, khu vui chơi giải trí cho công nhân lao động và con công nhân lao động.
Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động
Trả lời kiến nghị của công nhân, liên quan đến vấn đề của công nhân nêu về nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt của người dân không bảo đảm sức khỏe, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Chương trình phát triển nước sạch của Thành phốnhằm cung cấp nước sạch cho tất cả người dân các khu nội,ngoại thànhvới chính sách TP đặt ra là xã hội hóa toàn bộ các khu cấp nước sạch. Đến nay, Thành phố đã kêu gọi 24 nhà đầu tư vào 28 dự án nước sạch. Sau 2,5 năm đã nâng tỷ lệ nước sạch sử dụng ở nội thành lên 100%; tỷ lệ nước sạch ở khu vực nông thôn được 55% tính đến ngày 31/12/2018. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2020, toàn bộ khu vực nông thôn được cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước sạch đô thị.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thành các nhà máy nước mặt, đạt công suất gần 2 triệu m3/ngày đêm. Phấn đấu hết năm 2021, toàn Thành phố cơ bản dùng hệ thống nước sạch bằng nước mặt thay thế hệ thống nước khoan.
|
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trả lời kiến nghị của công nhân lao động |
Về vấn đề lắp đặt wifi miễn phí cho công nhân thời gian qua anh chị em công nhân phản ánh về thời lượng, chất lượng đường truyền còn kém, thời gian Thành phố sẽ đôn đốc và yêu cầu công ty viễn thông lắp đặt trạm wifi miễn phí cho công nhân tại nơi ở tập trung.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho người lao động, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, TP đang chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và người lao động làm việc trong các KCN. KCX Hà Nội. Hiện nay, TP. Hà Nội đã xây dựng được 4,2 triệu m2 nhà ở xã hội và đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng đủ 6,2 triệu m2 nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động trên địa bàn Thành phố.
Về vấn đề cho vay nặng lãi tại các KCN, Chủ tịch UBND TP cho biết, thời gian qua, lực lượng Công an Thành phố đã thường xuyên mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có các loại tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên địa bàn TP. Có thể nói loại tội phạm tín dụng đen đang len lỏi vào nhiều khu dân cư, KCN và cả khu sinh viên… Thành phố luôn luôn chỉ đạo Công an Thành phố thường xuyên kiểm tra xử lý, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn tồn tại và cũng đã xảy ra câu chuyện công nhân cho vay lãi cao và phải bỏ việc. Chủ tịch UBND TP đề nghị Công an Thành phố, các quận, huyện chú ý đưa cao điểm trấn công tội phạm quyết liệt hơn, đặc biệt là cao điểm trấn áp loại tội phạm này.
Về vấn đề xe chở rác thải trên địa bàn Thành phố làm nước chảy ra đường, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện tất cả các dịch vụ công của TP đã đưa ra đấu thầu công khai minh bạch. TP đã đưa ra đấu thầu toàn bộ dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo tinh thần một quận, huyện chỉ một đơn vị làm; Xây dựng 2 tiêu chí cụ thể, trong các tiêu chí đầu thầu có một tiêu chí bắt buộc các công ty tham gia đấu thầu phải có hợp đồng lao động cho tất cả công nhân, phải có bảo hiểm, phải có sổ liên quan đến đóng BHXH, BHYT. Trong thời gian thực hiện hợp đồng các đoàn kiểm tra đi kiếm tra nếu trong một quý hoặc một tháng có vi phạm 3 lần sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trước phản ánh hiện quanh các KCN có nhiều quán ăn, nước giải khát, hàng rong... gây mất trật tự an toàn giao thông, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GTVT phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất mạnh tay chấn chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông.